Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 09/04:TIN LÀNH ĐẮC THẮNG: KHÔNG HỔ THẸN


0
Categories : Devotions

Kinh Thánh: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu…” (Rô-ma 1:16a)
Phân đoạn Kinh Thánh được chép trong Rô-ma 1:14-17
“Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma. Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.”
Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Rô-ma 1:16a
“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu…”
Sứ đồ Phao-lô viết thư để trình bày về Tin Lành cho các tín hữu tại La Mã. Đây là những người mà vì đức tin của họ đã khiến Sứ đồ Phao-lô vui mừng ca ngợi Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:8). Nhưng Sứ đồ Phao-lô cũng biết rằng, hằng ngày họ cũng phải đối diện với những cám dỗ giữa một kinh đô phù hoa, lẫn những công kích, chế nhạo trong một xã hội thờ lạy thần tượng và tìm kiếm tri thức. Trong khi La Mã đầy dẫy những người quyền quý, cao sang thì Sứ đồ Phao-lô và các tín hữu lại “giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại” (I Cô-rinh- tô 1:23). Trong khi xã hội thời bấy giờ đề cao học thức, của cải vật chất, và địa vị xã hội thì Cơ Đốc nhân là những người thấp kém trong xã hội (I Cô-rinh- tô 1:20). Trong lúc xã hội tự hào về sự khôn ngoan, đưa ra những triết thuyết để tự giải cứu mình, thì Tin Lành rao giảng về sự cứu rỗi qua sự chết Chúa Giê-xu. Điều này đồng nghĩa với việc cho con người là tội lỗi, hư mất, vô vọng, không thể làm gì để cứu mình, và sự khôn ngoan, nỗ lực của con người là vô ích (I Cô-rinh- tô 1:21). Trong khi người La Mã tôn vinh sức mạnh và chiến thắng thì Tin Lành đã ra từ Giê-ru-sa-lem, một thành phố nhỏ bé, tủi nhục, bị chính người La Mã đô hộ. Dễ lắm những người đã từng bất chấp sự sống mình để nhận lấy Tin Lành của Chúa Giê-xu nay lại trở nên hổ thẹn về chính Tin Lành ấy.
Ngày nay, sự hổ thẹn về Tin Lành có thể được bày tỏ qua sự im lặng, không bênh vực cũng không bày tỏ chân lý. Có nhiều người chọn giải pháp im lặng khi nghe người khác nói sai về Tin Lành. Im lặng không phải vì không đúng thời điểm để nói, nhưng im lặng vì sợ hay hổ thẹn để đính chính về Tin Lành. Phải chăng chúng ta dễ dàng nói Tin Lành cho một người nghèo khổ, vô gia cư, hay một người bệnh nặng, hoặc trong cảnh ly tan, nhưng lại trở nên rụt rè để nói Tin Lành trước một tỉ phú hay một tiến sĩ khoa học?
Bên cạnh đó, sự hổ thẹn về Tin Lành bày tỏ qua việc thỏa hiệp với thế gian khi trình bày Tin Lành: Giảng Tin Lành thế nào để không bị chống đối, để người chưa tin Chúa dễ nghe, không làm tổn thương họ, không làm họ buồn lòng. Nhiều người tránh đề cập đến tội lỗi vì sợ làm tổn thương người nghe nhưng họ quên rằng Chúa Giê-xu đã đổ máu là vì tội lỗi của con người. Tin Lành của Chúa Giê-xu giải quyết vấn đề cốt lõi của nhân loại đó là tội lỗi. Đây là căn nguyên thuộc linh sâu xa của mọi vấn nạn trong thế giới. Vì vậy, khi con người ngày nay giảng dạy một Tin Lành thịnh vượng về vật chất và sức khỏe, họ đã xấu hổ về Tin Lành vinh quang phước hạnh, trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu, dành cho những người tin cậy Chúa, cho dù họ phải trải qua những khó khăn tạm thời trong đời sống trên đất này.