Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 12/04:TIN LÀNH ĐẮC THẮNG: CỨU MỌI NGƯỜI
Kinh Thánh: “… để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-Réc.” (Rô-ma 1:16b)
Phân đoạn Kinh Thánh được chép trong : Rô- ma 1: 14-17
“Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma.Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng:Người công bình sẽ sống bởi đức tin.”
Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Rô-ma 1:16c
“… để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc.”
Tin Lành là “để cứu.” Cứu rỗi có hai nghĩa. Thứ nhất là giải cứu, giải thoát. Sự cứu rỗi là quyền năng của Đức Chúa Trời giải cứu con người ra khỏi án phạt của tội lỗi, là sự chết về tâm linh, là điều khiến con người bị phân cách với Đức Chúa Trời. Thứ hai, từ ngữ “cứu rỗi” đến từ một từ ngữ La Tinh có nghĩa là “sự lành mạnh,” hay “sức khỏe.” Ban đầu từ ngữ này dùng cho vấn đề thể chất, nhưng về sau dùng để nói về sự lành mạnh của linh hồn và tinh thần. Về từ ngữ, cứu rỗi là những điều dẫn đến sự an toàn, lành mạnh, và hạnh phúc của tinh thần và linh hồn. Sự cứu rỗi phải bắt đầu với mối liên hệ với Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo nên con người. Nói cách khác, cứu rỗi chính là sự giải cứu con người ra khỏi án phạt của tội lỗi để đem họ trở về với mối liên hệ tốt đẹp với Đức Chúa Trời, với một đời sống tâm linh “lành mạnh” và “sung mãn” (Giăng 10:10). Như vậy, Tin Lành không chỉ đem đến cho con người một địa vị mới trong Đức Chúa Trời, nhưng cũng mang đến một năng lực mới để sống cuộc đời đắc thắng. Đây là hai khía cạnh không thể tách rời nhau của sự cứu rỗi. Tin Lành là “để cứu mọi kẻ tin.” Quyền năng của Tin Lành nằm ở chỗ có hiệu quả với mọi người. Tin Lành không dành riêng cho một dân tộc, chủng tộc, hay một thành phần xã hội nào đó, nhưng là cho mọi người. Vấn đề còn lại là ai bằng lòng tin thì sẽ nhận được Tin Lành quyền năng.
Tại đây, Sứ đồ Phao-lô khai triển rộng hơn tính phổ quát của Tin Lành khi ông đề cập đến “trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc.” Đối với người Do Thái, họ luôn tự hào vì là người có luật pháp (luật của Đức Chúa Trời ban cho ông Môi-se), và khinh rẻ người Gờ-réc hay Dân Ngoại là người không có luật pháp. Nhưng Sứ đồ Phao-lô cho biết, dù có luật pháp hay không luật pháp, thì tất cả đều cần Tin Lành. Điều đó có nghĩa là không một ai có thể tự cứu lấy mình kể cả việc nhờ cậy luật pháp. Người Do Thái rất tự hào về luật pháp mà họ có và cách thức mà họ giữ gìn luật pháp, nhưng Sứ đồ Phao-lô nói rằng họ vẫn cần Tin Lành giống như Dân Ngoại cần Tin Lành vậy. Trước mặt Đức Chúa Trời, một người đạo đức nhất trên đời này và một kẻ giết người đều là những tội nhân hư mất hoàn toàn. Cả hai đều cần Tin Lành.
Hơn thế nữa, nếu nói là Tin Lành dành cho mọi người thì cũng đồng nghĩa với việc Tin Lành đem hy vọng đến cho mọi người. Không ai là tuyệt vọng cả, không ai là vô phương cứu chữa cả. Cho dù bạn tội lỗi nhiều bao nhiêu, con người bạn thế nào, mọi người nhìn bạn ra sao… không quan trọng, vì bạn vẫn có hy vọng trong Tin Lành của Đức Chúa Trời.