Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 19/04:TRƯỚC TÒA TỔNG ĐỐC PHI-LÁT


0
Categories : Devotions

Kinh Thánh: “Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi” (Ma-thi-ơ 27:24)
Phân đoạn Kinh Thánh được chép trong Ma-thi-ơ 26:57-68:
“Đức Chúa Giê-xu đứng trước quan tổng đốc, quan hỏi rằng: Có phải ngươi là Vua của dân Giu-đa không? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Thật như lời. Trong lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết. Phi-lát bèn nói cùng Ngài rằng: Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao? Song Đức Chúa Giê-xu không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm. Phàm đến ngày lễ Vượt qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn. Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, tên là Ba-ra-ba. Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Giê-xu gọi là Christ? Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài. — Quan tổng đốc đương ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao. — Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Giê-xu. Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng:Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai? Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba. Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Giê-xu gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? Chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Giê-xu, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.
Lính của quan tổng đốc bèn đem Đức Chúa Giê-xu vào công đường, và nhóm cả cơ binh vây lấy Ngài. Họ cởi áo Ngài ra, lấy áo điều mà khoác cho Ngài. Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng: Lạy Vua của dân Giu-đa! Họ nhổ trên Ngài và lấy cây sậy đánh đầu Ngài. Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cởi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự.”
Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Ma-thi-ơ 27:24:
“Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi”.
Do Tòa Công Luận không được quyền tuyên án tử hình nên sáng hôm sau họ đã giải Chúa qua quan Tổng đốc Phi-lát. Tại phiên tòa này, chúng ta thấy ông Phi-lát biết rõ Tòa Công luận kiện Chúa chỉ vì lòng ganh ghét mà thôi (câu 18). Lúc họ tố cáo Chúa nhiều điều, ông Phi-lát nhắc Chúa phát biểu để biện hộ cho mình nhưng Chúa vẫn yên lặng đến độ ông vô cùng ngạc nhiên. Lúc áp dụng luật tha một người trong ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta thấy ông Phi-lát thật lòng muốn họ tha cho Chúa. Ngay cả vợ ông cũng cho người đến nhắc ông đừng đụng đến người công chính đó. Lúc ông hỏi rằng “Vậy, còn Giê-xu gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?” những người tố cáo trả lời “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” thì ông Phi-lát còn lên tiếng bảo vệ Chúa: “Song người này đã làm việc dữ gì?”
Chúng ta thấy từ đầu đến cuối buổi xét xử, ông Phi-lát luôn tìm cách bảo vệ Chúa vì ông biết rõ Chúa vô tội, thế nhưng khi thấy ý kiến ông không thắng nổi những người tố cáo, lại lo sợ đám đông náo loạn ảnh hưởng tới chức vụ của mình nên ông đã nhu nhược “lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi.” Rồi “Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Giê-xu, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.”
Là con dân Chúa, nhưng nếu chúng ta run sợ trước áp lực của số đông, biết điều đúng mà không dám làm, biết điều sai nhưng lại cứ nhắm mắt thực hiện, cố bảo vệ chức vụ, quyền lợi của mình mà để mặc người khác làm điều sai trật rồi phủi tay rũ bỏ trách nhiệm là biểu hiện của người nhu nhược, không dám sống cho Chúa. Người không dám sống cho Chúa thì chắc chắn cũng không dám chết cho Chúa. Sứ đồ Phao-lô dạy: “vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8). Bạn có sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để dám sống cho Chúa và chết cho Chúa không?