Tĩnh Nguyện Hằng Ngày:NGƯỜI MẸ KHÔNG TÊN
Kinh Thánh: “Ngài bèn phán rằng: Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.” (Ma-thi-ơ 15:28)
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Ma-thi-ơ 15:21-28
“Đức Chúa Giê-xu đi từ đó, vào bờ cõi thành Ty-rơ và thành Si-đôn. Xảy có một người đàn bà xứ Ca-na-an, từ xứ ấy đến, mà kêu lên rằng: Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm. Nhưng Ngài chẳng đáp một lời. Môn đồ bèn đến gần, cố nài xin rằng: Xin thầy truyền cho đàn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta. Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi. Song người đàn bà lại gần, lạy Ngài mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng! Ngài đáp rằng: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn. Người đàn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống. Ngài bèn phán rằng: Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.”
Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Ma-thi-ơ 15:28
“Ngài bèn phán rằng: Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.”
Hôm nay, chúng ta học về ba đức tính từ người mẹ ngoại bang không tên qua ba lời của bà thưa với Chúa.
Bà “Mẹ Không Tên” yêu và đồng cảm với con. Lời đầu tiên bà kêu với Chúa: “Lạy Chúa, là con cháu Vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỷ ám, khốn cực lắm.” Người Do Thái thời bấy giờ luôn xem thấp giá trị của phái nữ và xem Dân Ngoại là ô uế, nhưng tình yêu thương con của bà đã giúp bà vượt qua những trở ngại về dân tộc và văn hóa. Bà yêu con và đồng cảm với con gái mình, nỗi khốn cực của con bà cũng chính là nỗi đau của bà. Bà kêu cầu Chúa là “con cháu Vua Đa-vít” chứng tỏ bà tin Chúa là Đấng Mết-si- a, Đấng có quyền năng cứu con bà (Ma-thi- ơ 22:42). Người “Mẹ Không Tên” yêu con mình như mạng sống mình.
Bà “Mẹ Không Tên” nhẫn nại và kiên trì. Khi Chúa Giê-xu “chẳng đáp một lời” thì bà vẫn kêu cầu. Chúng ta không biết bà đã kêu cầu bao nhiêu lần, nhưng bà kêu đến nỗi các môn đệ Chúa phải “cố nài xin” Chúa truyền bà về. Chúa đã đưa ra lý do Ngài từ chối lời nài xin của bà. Bà vẫn không bỏ cuộc. Bà “đến gần” và nói lời thứ hai: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng.” Khi Chúa yên lặng bà không bỏ cuộc, khi Chúa từ chối, bà vẫn cầu xin. Bà nhẫn nại và kiên trì đến cùng.
Bà “Mẹ Không Tên” có “đức tin lớn.” Lời Chúa phán, “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn” mang ý nghĩa là Chúa đến để cứu người Ít-ra- ên trước, hay Chúa không thể dừng công việc cứu người Ít-ra- ên để cứu Dân Ngoại được (Ma-thi- ơ 10:5-6). Chúa không dập tắt đức tin của bà nhưng làm cho đức tin ấy lớn lên. Chúa cũng không gây khó khăn nhưng Ngài khơi gợi một đức tin đang lớn dần trong bà. Lời thứ ba của bà thể hiện một đức tin thật lớn: “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống.” Đức tin lớn của bà đã cứu con bà. Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá cho cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại để họ có thể được hòa lại Ngài (Ê-phê- sô 2:13).
Người “Mẹ không tên” không sống cho mình, nhưng yêu con, hy sinh vì con và có đức tin vững mạnh nơi Chúa là một gương mẫu cho các người mẹ và cho chúng ta mãi mãi.
Hôm nay là ngày Lễ Mẹ, mời các cha mẹ cầu nguyện cho con cái mình. Hãy sống sao cho thể hiện được tình yêu và nếp sống Cơ Đốc đối với con cái. Là người con, chúng ta cần cầu nguyện cho cha mẹ mình. Hãy dùng một lời cảm ơn, hay một món quà để bày tỏ tình yêu của mình đối với cha mẹ. Nhưng món quà lớn hơn hết đối với cha mẹ Cơ Đốc là thấy con cái có đức tin vững chắc nơi Chúa.
Sau khi tâm trí của chúng ta đã chuẩn bị, và chúng ta đã quyết tâm sống cho Chúa, hoàn toàn đặt hy vọng vào sự trở lại của Chúa Giê-xu, thì chúng ta phải thể hiện điều đó qua nếp sống hằng ngày. Cụ thể là, chúng ta “chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong chúng ta ngày trước” (câu 14). Theo nguyên nghĩa, chữ “dâm dục” chỉ những ham muốn hay đòi hỏi của xác thịt trong các lãnh vực tự nhiên như ăn uống và tình dục. Mặc dù xã hội và tiêu chuẩn đạo đức của thế gian có thể không ràng buộc chúng ta, nhưng Chúa và bản chất thánh khiết của Ngài phải là ánh sáng soi sáng các hành vi của chúng ta. Con cái Chúa được kêu gọi phải “thánh trong mọi cách ăn ở mình.” Đời sống của chúng ta phải có một sự thay đổi thật sự. Không phải chúng ta chỉ khác người chưa tin Chúa ở việc chúng ta đi nhà thờ, dâng hiến, phục vụ trong Hội Thánh…Chúng ta phải thật sự khác họ trong cách sống hằng ngày, cụ thể là trong việc kiểm soát dục vọng của mình, là những nhu cầu đòi hỏi tự nhiên của con người. Những điều này không còn là chủ của chúng ta, nhưng chính Chúa mới là Đấng chúng ta muốn làm vui lòng. Ngài sẽ trở lại để xét đoán, và Ngài sẽ không tây vị ai hết. Vậy, hãy hết lòng, “vừa kính, vừa sợ” mà sống trong thời kỳ ở trọ đời này. Hơn cả sự sợ hãi, là con cái của Chúa, chúng ta muốn giống với Cha của mình. Đó là điều tự nhiên “mới” mà chỉ có Chúa mới có năng quyền ban cho chúng ta.