Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 01/06: TẤM LÒNG BIẾT ƠN CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ
Kinh Thánh: “Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức tin anh em đã đồn khắp cả thế gian” (Rô-ma 1:8)
Kinh Thánh nền tảng:
“Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức tin anh em đã đồn khắp cả thế gian. Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần hầu việc, bởi sự giảng Tin lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi trong mọi khi tôi cầu nguyện, thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em. Thật vậy,tôi rất mong mỏi đến thăm anh em, đặng thông đồng sự ban cho thiêng liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững vàng, tức là tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi.
Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn anh em không biết rằng đã ghe phen tôi toan đi thăm anh em, đặng hái trái trong anh em cũng như trong dân ngoại khác; song về sự đó tôi bị ngăn trở cho đến bây giờ. Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma.”
Và câu Kinh Thánh nền tảng cho bài học hôm nay được chép trong Rô-ma 1:8
“Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức tin anh em đã đồn khắp cả thế gian”
Khi nghĩ về Hội Thánh La Mã, điều đầu tiên Sứ đồ Phao-lô làm là tạ ơn Đức Chúa Trời. Ông tạ ơn Chúa về một Hội Thánh mà ông không thành lập cũng chưa hề dự phần gây dựng và phát triển. Chính điều này cho chúng ta nhận ra mối quan tâm thật sự của Sứ đồ Phao-lô là vinh quang của Chúa và sự phát triển của Hội Thánh. Chúng ta dễ có xu hướng xem trọng mình và đề cao công việc của mình. Nhưng một người phục vụ Chúa phải có tấm lòng vui mừng, tạ ơn khi nhìn thấy công việc Chúa được kết quả, cho dù Ngài dùng ai để hoàn thành công việc đó.
Tấm lòng biết ơn Chúa là điều vô cùng quan trọng vì nó sẽ đem chúng ta đến sự thỏa lòng, gây dựng mối tương giao Cơ Đốc, cũng như tránh được tinh thần ích kỷ, xem mình là trung tâm, tìm kiếm quyền lợi hay danh dự cho mình.
Khi nhìn về công việc Chúa tại Hội Thánh La Mã, Sứ đồ Phao-lô đã cảm tạ Đức Chúa Trời nhờ Chúa Giê-xu. Ông cảm tạ Đức Chúa Trời vì nhận thức rằng những gì Hội Thánh có được hay làm được đều là sự ban cho của Ngài. Nhận thức này giúp cho ông và Hội Thánh khiêm nhường, biết ơn Chúa, và chỉ lệ thuộc vào chính Ngài mà thôi. Nếu Chúa không ban cho, chúng ta không có gì hết. Đức Chúa Trời là tất cả của Hội Thánh.
Bên cạnh đó, Sứ đồ Phao-lô đã nhờ Chúa Giê-xu Christ cảm tạ Đức Chúa Trời vì chính Chúa Giê-xu Christ là trung tâm điểm của sự cứu rỗi cũng như trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. Đời sống Cơ Đốc phải được gây dựng tập trung vào chính Chúa Giê-xu.
Sứ đồ Phao-lô đã dâng lên Chúa lời tạ ơn về đức tin của các tín hữu tại La Mã. Chắc chắn Sứ đồ Phao-lô không chỉ nói đến đức tin của họ khi tin nhận Chúa mà còn là đức tin để giữ đạo Chúa, vâng phục Chúa, và chịu khổ vì Danh Ngài. Họ đang sống tại thủ đô của Đế Quốc La Mã hùng mạnh, giàu có, tôn sùng triết lý Hy Lạp, tìm kiếm sự khôn ngoan, tri thức. Nhưng tại chính nơi này những tín hữu Cơ Đốc lại khiến cho “khắp cả thế gian” phải nhìn biết đức tin của họ nơi Chúa Giê-xu. Hội Thánh tại La Mã không có gì để có thể so sánh hay khoe khoang với Đế Quốc La Mã ngoại trừ đức tin của họ. Và lịch sử đã cho chúng ta biết sự suy tàn và sụp đổ hoàn toàn của Đế Quốc La Mã nhưng Hội Thánh Đức Chúa Trời thì luôn vững bền. Trọng tâm của Hội Thánh là gây dựng đức tin nơi Chúa Giê-xu. Nếu một Hội Thánh chỉ mãi mê tìm kiếm nền tài chính vững mạnh, xây dựng giáo đường to lớn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức mà bỏ quên việc gây dựng đời sống đức tin của mỗi con cái Chúa, Hội Thánh đó sẽ đứng trước nguy cơ suy tàn.