Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 03/06: SỰ THUẬN PHỤC CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ
Kinh Thánh: “Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần hầu việc, bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi trong mọi khi tôi cầu nguyện, thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em.” (Rô-ma 1:9-10)
Kinh Thánh nền tảng và Kinh Thánh ghi nhớ cho bài học hôm nay được chép trong Rô-ma 1:9-10:
“Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần hầu việc, bởi sự giảng Tin lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi trong mọi khi tôi cầu nguyện, thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em.”
Trong suy nghĩ của rất nhiều người, việc Sứ đồ Phao-lô đến La Mã để giảng Tin Lành là hoàn toàn hợp lý và chính đáng vì ông được Chúa kêu gọi rao giảng Phúc Âm cho Dân Ngoại. Hơn thế nữa, ông còn có sự thôi thúc trong lòng và mong ước gặp Hội Thánh La Mã. Do đó đến La Mã là việc đương nhiên không cần cầu xin Chúa.
Tuy nhiên, tại nơi đây, đầy tớ Chúa đã hạ mình, kiên trì cầu nguyện xin Chúa cho ông được đến La Mã (câu
10). Hành động của Sứ đồ Phao-lô đã chỉ ra rằng đối với người phục vụ Chúa điều quan trọng không phải là mình muốn làm gì nhưng là Chúa muốn mình làm gì và vào thời điểm nào. Một khi chúng ta chỉ làm những điều mình ưa thích hoặc cho là hợp lý trong những thời điểm mà mình cho là thích hợp thì khi đó chúng ta thật sự chỉ
phục vụ chính mình chứ không phục vụ Đức Chúa Trời.
Việc cầu nguyện để tìm biết ý muốn Chúa bày tỏ tinh thần thuận phục Chúa của người phục vụ. Khi nhận
biết gánh nặng Chúa đặt trong chúng ta về nhu cầu của người khác, đôi khi chúng ta sẽ nhanh chóng hành động
để đáp ứng nhu cầu của họ mà quên rằng điều quan trọng hơn hết là cầu nguyện để tìm biết ý muốn Chúa.
Tại sao Sứ đồ Phao-lô lại cầu nguyện? Vì ông nhận biết đây là nhu cầu thuộc linh, là trận chiến thuộc linh, do
đó cần phải có cách tiếp cận thuộc linh. Chúng ta không thể phục vụ Chúa bằng sự khôn ngoan, sức mạnh, tài
lực của chính mình (Ê-phê- sô 6:12-13). Hơn thế nữa, người cầu nguyện tìm biết ý muốn Chúa để nhận ra rằng chỉ Chúa mới thật sự là Đấng đáp ứng nhu cầu của anh chị em. Đừng quên rằng, chúng ta chỉ là công cụ trong tay Đức Chúa Trời, Ngài chính là Đấng cung ứng. Bên cạnh đó, người phục vụ Chúa phải luôn ý thức những giới hạn của mình, phải nhận ra mình cần Chúa: Cần sự hướng dẫn, sai phái, và ủy quyền từ Ngài.
Vấn đề ở đây là Sứ đồ Phao-lô không chỉ cầu nguyện nhưng ông còn hành động. Tuy nhiên, hành động của ông là làm theo ý muốn Chúa. Mục sư John MacArthur nói: “Mục đích độc nhất của Sứ đồ Phao-lô là thực hiện ý muốn của Cha, theo phương cách, và trong thời điểm của Ngài. Đó cũng là mục tiêu cao nhất của chúng ta.”