TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 19/07: BA NHẬN ĐỊNH VỀ CHÚA GIÊ-XU
Kinh Thánh: “Có mấy người trong những người Pha-ri- si bèn nói rằng: Người này không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng người khác rằng: Một người có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra.” (Giăng 9:16).
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Giăng 9:13-17
“Chúng dẫn người trước đã mù đó đến cùng người Pha-ri-si. Vả, ấy là ngày Sa-bát mà Đức Chúa Giê-xu đã hòa bùn và mở mắt cho người đó. Người Pha-ri-si lại hỏi người thế nào được sáng mắt lại. Người rằng: Người ấy rà bùn vào mắt tôi, tôi rửa rồi thấy được. Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng kẻ khác rằng: Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra. Bấy giờ chúng hỏi người mù nữa rằng: Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao? Người trả lời rằng: Ấy là một đấng tiên tri.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Giăng 9:16
“Có mấy người trong những người Pha-ri- si bèn nói rằng: Người này không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng người khác rằng: Một người có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra.”
Theo luật truyền khẩu của người Pha-ri-si suy diễn từ Điều Răn Thứ Tư thì lấy tay nhào bùn hoặc chữa bệnh được xem như làm việc, vì vậy, việc Chúa Giê-xu chữa lành mắt cho người khiếm thị vào ngày Sa-bát là vi phạm luật pháp, thật ra là vi phạm luật của giáo hội thời đó đặt ra. Do dân chúng không tìm ra Chúa nên họ dẫn người khiếm thị vừa sáng mắt đến với người Pha-ri-si. Sau khi thẩm vấn anh và nghe về cách Chúa chữa lành cho anh, thì trong vòng người Pha-ri-si có hai ý kiến khác nhau. Nhóm thứ nhất cho rằng Chúa không thuộc về Đức Chúa Trời vì Ngài không giữ ngày Sa-bát. Nhóm này lấy nghi lễ làm thước đo một người có thuộc về Chúa hay không. Ai không giữ đúng nghi lễ, luật lệ của nhóm lãnh đạo tôn giáo đặt ra thì người đó là người có tội.
Nhóm thứ hai phản đối rằng một người có tội sao có thể làm phép lạ như vậy. Nhóm này nhận định Chúa căn cứ vào việc Chúa làm. Người làm được việc lạ lùng, phi thường thì đó phải là người vô tội. Nhóm này có cái nhìn khá hơn nhưng cũng chỉ dừng lại ở nhận định Chúa không thể là người có tội mà thôi.
Giữa họ có sự chia rẽ nhau, nên họ quay sang hỏi ý kiến anh khiếm thị về Chúa. Anh trả lời ông ấy là một Đấng tiên tri. Tuy khiếm thị nhưng có lẽ anh cũng nghe và biết trong Cựu Ước có một số tiên tri của Đức Chúa Trời làm những phép lạ lớn lao như các ông Môi-se, Ê-li, Ê-li- sê… Thật khôi hài khi những người tự xưng là bậc thầy luật pháp mà lại đi hỏi ý kiến một người khiếm thị bẩm sinh! Thế nhưng anh khiếm thị mà lại sáng tâm linh, anh nhận định Chúa Giê-xu là một Đấng Tiên Tri của Đức Chúa Trời. Còn những người Pha-ri- si thì lại nhận định Chúa theo ý chủ quan của mình, và đặc biệt là họ chỉ chú trọng đến lễ nghi mà chẳng chút nào quan tâm đến con người. Họ mãi tranh cãi hơn thua về nhận định của họ mà chẳng ai tỏ lòng chung vui với người khiếm thị được sáng đang đứng trước mặt mình cả. Con người là đối tượng Chúa yêu thương và chết thay. Cho rằng mình thuộc về Chúa mà không quan tâm đến con người thì cần phải xem lại mình đã thật sự thuộc về Chúa chưa?
Căn cứ những yếu tố nào khiến bạn biết chắc mình thật sự thuộc về Chúa?