TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 05/08: TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI THIẾU THỐN


0
Categories : Devotions

Kinh Thánh:“Một người trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?” (Gia-cơ 2:16)

Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Công Vụ 9:36-43

 “Tại thành Giốp-bê, trong đám môn đồ, có một người đàn bà tên là Ta-bi-tha, nghĩa là Đô-ca; người làm nhiều việc lành và hay bố thí.  Trong lúc đó, người đau và chết. Người ta tắm rửa xác người, rồi để yên trong một phòng cao.  Môn đồ nghe Phi-e-rơ đương ở tại Ly-đa, gần thành Giốp-bê, bèn sai hai người đi mời người đến chớ chậm trễ.  Phi-e-rơ đứng dậy đi với hai người. Khi tới nơi, người ta dẫn Phi-e-rơ đến chỗ phòng cao; hết thảy các đàn bà góa đều đến cùng người mà khóc,và giơ cho người xem bao nhiêu áo xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho.  Phi-e-rơ biểu người ta ra ngoài hết, rồi quì gối mà cầu nguyện; đoạn, xây lại với xác, mà rằng: Hỡi Ta-bi-tha, hãy chờ dậy! Người mở mắt, thấy Phi-e-rơ, bèn ngồi dậy liền. 41 Phi-e-rơ đưa tay ra đỡ cho đứng dậy; đoạn, gọi các thánh đồ và đàn bà góa đến, cho họ thấy người sống,  Việc đó đồn ra khắp thành Giốp-bê; nên có nhiều người tin theo Chúa.  Còn Phi-e-rơ ở lại thành Giốp-bê nhiều ngày, tại nhà người thợ thuộc da, tên là Si-môn.”

Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Gia-cơ 2:16

“Một người trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?”

Người phụ nữ được đề cập trong phân đoạn này có tên theo tiếng A-ram là Ta-bi-tha, còn theo tiếng Hy Lạp là Đô-ca. Cả hai tên đều có ý nghĩa là “linh dương,” biểu tượng của sự duyên dáng và xinh đẹp. Chắc hẳn bà không những đẹp về thể xác mà còn đẹp cả tâm hồn. Kinh Thánh ghi rõ bà là “người làm nhiều việc lành và hay bố thí” (câu 36).

Hành động “bố thí” của người Do Thái được hình thành từ trong nhà hội về việc đóng góp hàng tuần để chăm sóc những người thiếu thốn trong cộng đồng. Việc này bày tỏ tinh thần trách nhiệm đối với nhau trong cộng đồng Cơ Đốc. Trong thời Chúa Giê-xu, sự bố thí được người Do Thái xem là có giá trị tâm linh quan trọng.

Chúng ta thấy rõ ràng bà Đô-ca đã làm trọn trách nhiệm đối với người khó khăn, thiếu thốn nên bà để lại một tình cảm sâu xa trong cộng đồng. Do đó, khi bà qua đời họ đau buồn và làm mọi cách để tỏ lòng biết ơn với bà. Có lẽ họ đã nghe nhiều về những phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm qua Sứ đồ Phi-e-rơ cho nên họ sai người đi mời ông đến với hy vọng ông có thể làm điều gì đó cho người phụ nữ đáng kính này.

Sứ đồ Phi-e-rơ đến và thực hiện những việc tương tự Chúa Giê-xu từng làm khi Ngài chữa lành cho con gái của ông Giai-ru (Mác 5:41). Một lần nữa Đức Chúa Trời làm phép lạ qua Sứ đồ Phi-e-rơ. Ông đã cầu nguyện cho bà sống lại. Việc bà Đô-ca được Chúa cho sống lại không những đem lại niềm vui và khích lệ lớn cho những người chịu ơn bà mà còn là một bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời, nhờ đó mà có nhiều người được nghe về Danh Ngài và nhiều người đã tin Chúa (câu 42).

Sống bày tỏ tinh thần trách nhiệm đối với những người thiếu thốn, khó khăn trong cộng đồng như bà Đô-ca, sẽ để lại cho cộng đồng những ảnh hưởng đáng kể về tình yêu của Đức Chúa Trời. Đó chính là cách chúng ta làm chứng về Chúa và sống với niềm tin thiết thực nhất!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *