TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 05/09:PHỤC VỤ CHÚA CÁCH KHIÊM NHƯỜNG


0
Categories : Devotions

Kinh Thánh: “Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt, và ở giữa sự thử thách mà người Giu-đa đã lập mưu hại tôi.” (Công Vụ 20:19)
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Công Vụ 20:17-27
“Bấy giờ, Phao-lô sai người ở thành Mi-lê đi tới thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão trong Hội thánh đến. Khi các người ấy đã nhóm cùng người, người nói rằng: Từ ngày tôi mới đến cõi A-si, hằng ăn ở luôn với anh em cách nào, anh em vẫn biết, tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt, và ở giữa sự thử thách mà người Giu-đa đã lập mưu hại tôi. Anh em biết tôi chẳng trễ nải rao truyền mọi điều ích lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia, giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Giê-xu là Chúa chúng ta.
Kìa, nay bị Đức Thánh Linh ràng buộc, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem, chẳng biết điều chi sẽ xảy đến cho tôi ở đó; duy Đức Thánh Linh đã bảo trước cho tôi rằng từ thành nầy sang thành khác dây xích và hoạn nạn đương đợi tôi đó. Nhưng tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Giê-xu, để mà làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời. Hiện bây giờ, tôi biết rằng giữa anh em mà tôi đã ghé qua giảng về nước Đức Chúa Trời, thì chẳng có một ai sẽ thấy mặt tôi nữa. Nên bữa nay tôi nói quyết trước mặt các anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Công Vụ 20:19
“Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt, và ở giữa sự thử thách mà người Giu-đa đã lập mưu hại tôi.”
Trước khi đi đến Giê-ru-sa-lem, Sứ đồ Phao-lô mời hết thảy các trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô đến Mi-lê để gặp ông lần cuối. Mi-lê là một thành phố cảng phục vụ cho Ê-phê-sô, cách đó khoảng 50km.
Trong buổi từ giã đó, Sứ đồ Phao-lô đã giảng một bài giảng rất xúc động bao gồm những điểm chính sau:
Ông khẳng định lại tinh thần phục vụ Chúa cách khiêm nhường dù chịu nhiều nước mắt (câu 19). Trong suốt những năm ông phục vụ Chúa tại đó, ông không hề khoe mình hay muốn được nổi tiếng. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông “chẳng trễ nải rao truyền mọi điều ích lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết…” (câu 20). Ông đã giảng dạy cách dạn dĩ, công khai nơi công cộng và không hề sợ hãi. Ông nói cho họ biết tất cả về ý định của Đức Chúa Trời dành cho những người chẳng tin, không thiên vị hay phân biệt một ai (câu 21).
Ông tin rằng Chúa Thánh Linh thúc giục ông đi đến Giê-ru-sa-lem (câu 22). Tại nơi đó, có thể ông phải chịu nhiều hoạn nạn và đau khổ (câu 23) nhưng ông can đảm đối đầu mọi khó khăn. Cá tính mạnh mẽ và hết lòng vì Chúa Cứu Thế đã giúp Sứ đồ Phao-lô không chùn bước trước khó khăn mà ông sẵn sàng bước tới để chu toàn sứ mệnh Chúa giao. Ông đã để lại tấm gương can đảm chịu khổ vì Tin Lành cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô cũng như những người phục vụ Chúa ngày nay.
Sứ đồ Phao-lô xem cuộc đời ông chẳng ra gì nếu ông không sử dụng cho công việc của Đức Chúa Trời. Ông cố hoàn tất cuộc đua và chức vụ mà Chúa giao để công bố Tin Lành (câu 24). Đó chính là giá trị thật trong đời sống mà ông cần đầu tư hơn hết.
Trong lần từ giã có thể là cuối cùng này (câu 25), Sứ đồ Phao-lô xác quyết rằng ông đã trung tín giảng Phúc Âm (II Cô-rinh- tô 2:17) cho nên việc họ đáp ứng hay khước từ Phúc Âm thì chính họ phải chịu trách nhiệm (câu 26).
Bài giảng chia tay của Sứ đồ Phao-lô đã để lại dấu ấn tượng sâu xa cho các trưởng lão cũng như nhắc nhở hết thảy chúng ta trong tinh thần hạ mình và đổ nước mắt để phục vụ Chúa. Bạn được nhắc nhở điều gì qua bài giảng này?