TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 24/11: THỜ THẦN KHÔNG BIẾT


0
Categories : Devotions

Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu.” (Công Vụ 17:24)

Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Công Vụ 17:16-34

“Phao-lô đương đợi hai người tại thành A-thên, động lòng tức giận, vì thấy thành đều đầy những thần tượng. Vậy, người biện luận trong nhà hội với người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa; lại mỗi ngày, với những kẻ nào mình gặp tại nơi chợ. Có mấy nhà triết học về phái Epicuriens và phái Stociens cũng cãi lẽ với người. Kẻ thì hỏi: Người già mép nầy muốn nói gì đó? Người thì nói: Người dường như giảng về các thần ngoại quốc (vì Phao-lô truyền cho chúng về Đức Chúa Giê-xu và sự sống lại). Chúng bắt người, đem đến nơi A-rê-ô-ba, mà hỏi rằng: Chúng tôi có thể biết được đạo mới nào mà ông dạy đó chăng? Vì chưng ông giảng cho chúng tôi nghe sự lạ. Chúng tôi muốn biết ý nghĩa điều đó là gì. Vả, hết thảy người A-thên và người ngoại quốc ngụ tại thành A-thên chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi. Bấy giờ, Phao-lô đứng giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng. Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: Thờ Chúa không biết. Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho. Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên. Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn, vì Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian, bởi Người Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên hạ. Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết, kẻ thì nhạo báng, người thì nói rằng: Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó. Vì vậy, Phao-lô từ giữa đám họ bước ra. Nhưng có mấy kẻ theo người và tin; trong số đó, có Đê-ni, là một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác.”

Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Công Vụ 17:24

  “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu.” 

  Thành A-thên là trung tâm văn hóa, triết học, và giáo dục của Hy Lạp, nổi tiếng bởi nhiều tòa nhà tráng lệ, nhiều đền thờ và thần tượng. Có cả người Do Thái và người ngoại bang theo Do Thái giáo sống ở đây. Như thường lệ, Sứ đồ Phao-lô đến nhà hội và biện luận với họ, cho họ nhận thức rằng Chúa Giê-xu chính là Đấng Mết-si-a. Ông cũng sốt sắng ra quảng trường để làm chứng về Chúa cho các triết gia thuộc hai trường phái Khoái Lạc (Epicuriens – người đi tìm hạnh phúc bằng cuộc sống hưởng thụ), và Khắc Kỷ (Stociens – người sống giản dị, kiềm chế những dục vọng khoái lạc, có tinh thần kỷ luật rất cao). Có người lên mặt đàn anh chế giễu (câu 18) nhưng cũng có nhiều triết gia và những người học thức luôn sẵn lòng lắng nghe những điều mới lạ (câu 20-21). Họ đưa Sứ đồ Phao-lô về A-rê-ô-ba, nơi hội họp của hội đồng thành phố A-thên, và yêu cầu ông giảng cho họ nghe về giáo thuyết mới này. Nhân cơ hội đó, ông khen ngợi lòng sùng đạo của họ, không phải khen việc thờ nhiều thần tượng nhưng là tấm lòng quan tâm đến đời sống tâm linh. Lời khen thành thật làm cho thính giả có cảm tình và chú ý lắng nghe. Ông Phao-lô dùng hình ảnh bàn thờ “Thần Không Biết” của họ để dẫn họ đến một Vị Thần họ cần phải biết, là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng ban sự sống và chu cấp mọi nhu cầu cho con người, Đấng quy định số năm trên đất và địa phận sinh sống cho mỗi một người. Ông giới thiệu về đặc tính của Chúa: Ngài không ngự trong đền miếu do con người xây dựng, Ngài cũng không cần gì từ nơi con người vì Ngài là Nguồn Sống. Ông cho họ biết Chúa ở rất gần với họ (câu 22-27). Cuối cùng, ông cho họ biết cách thờ phượng hài lòng Chúa: Đừng thờ Chúa như các hình tượng bằng bạc và vàng hay đá do trí tưởng tượng của con người làm ra. Đức Chúa Trời muốn họ phải ăn năn và tin nhận Đấng Ngài đã sai đến và khiến sống lại từ cõi chết (câu 29-31). Có người nhạo cười ông, nhưng ông Đê-ni, một thành viên của hội đồng A-rê-ô-pa, bà Đa-ma-ri và một số người đã tin nhận Chúa.

   Sứ đồ Phao-lô đã dùng lạc điểm “Thần Không Biết” để giới thiệu về Đức Chúa Trời cho dân thành A-thên. Ông không chỉ trích việc thờ lạy thần tượng nhưng trình bày niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Khi họ thật sự biết Chúa và tôn thờ Ngài, họ sẽ tự dẹp bỏ những thần tượng.

   Bạn có thể dùng lạc điểm nào để đưa đồng bào mình đến với Chúa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *