TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 26/12: TẤM LÒNG TRÔNG ĐỢI CHÚA


0
Categories : Devotions
https://oneway.vn/wp-content/uploads/2016/12/oneway.vn_tnhn_16361c.jpg

Kinh Thánh: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như Lời Ngài; vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài.” (Lu-ca 2:29-30)

Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Lu-ca 2:25-38

“Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si-mê-ôn, trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên người. Đức Thánh Linh đã bảo trước cho người biết mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa. Vậy người cảm bởi Đức Thánh Linh vào đền thờ, lúc có cha mẹ đem con trẻ là Giê-xu đến, để làm trọn cho Ngài các thường lệ mà luật pháp đã định, thì người bồng ẵm con trẻ, mà ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.(v) Cha mẹ con trẻ lấy làm lạ về mấy lời người ta nói về con. Si-mê-ôn bèn chúc phước cho hai vợ chồng, nói với Ma-ri, mẹ con trẻ rằng: Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả; còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi. Ấy vậy tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ. Lại có bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Một lúc ấy, người cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem.”

Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Lu-ca 2:29-30

“Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như Lời Ngài; vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài.” 

 Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay nhắc đến hai nhân vật, cụ Si-mê-ôn và bà An-ne. Một trong những điều đáng chú ý về hai nhân vật này là, người thì công bình đạo đức, có Chúa Thánh Linh ngự trên người (câu 25); người thì chẳng hề ra khỏi Đền Thờ, đêm ngày phục vụ Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện (câu 37). Điều này cho chúng ta thấy họ là những người tin kính Chúa và có lòng trông đợi Chúa. Dẫu đã cao tuổi, họ vẫn ấp ủ lòng đợi trông được nhìn thấy sự giải cứu trên dân tộc Y-sơ-ra-ên.

 Chính tấm lòng không ngơi nghỉ hy vọng và tin cậy vào điều Chúa hứa mà cụ Si-mê-ôn và bà An-ne được nhìn thấy Chúa Cứu Thế của người y-sơ-ra-ên, hơn nữa được bồng ẵm Con Trẻ trong tay mình (câu 28). Khi được thấy Con Trẻ Giê-xu, cụ Si-mê-ôn phải thốt lên rằng ông đã thấy sự cứu vớt của Chúa trên muôn dân (câu 30-31), còn bà An-ne thì nói chuyện về Con Trẻ cho mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem (câu 38).

 Một lần nữa, Con Trẻ Giê-xu được cụ Si-mê-ôn và bà An-ne làm chứng về sự ra đời của Người, đồng thời khẳng định sứ mệnh thiêng liêng mà Con Trẻ Giê-xu gánh lấy khi giáng sinh làm người, ấy chính là “làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài” (câu 31-32). Lòng trông đợi Chúa của cụ Si-mê-ôn và bà An-ne là tấm lòng có sự chuẩn bị, tấm lòng không ngừng khao khát trông mong dù cả hai đều đã cao tuổi. Và tấm lòng quý báu ấy, cuối cùng cũng được Chúa đền đáp cách xứng đáng.

 Thách thức đặt ra cho chúng ta hôm nay là, tấm lòng của chúng ta có thể duy trì sự khát khao được gặp Chúa Cứu Thế mỗi ngày trong đời sống, không ngừng trông đợi để được kinh nghiệm sự giải cứu của Chúa Cứu Thế dành cho mình, cho gia đình, và cho dân tộc mình dẫu mùa Kỷ Niệm Chúa Giáng Sinh đã trôi qua hay không? Tấm lòng không mệt mỏi trông đợi được gặp Chúa Cứu Thế của cụ Si-mê-ôn và bà An-ne sẽ là tấm gương khích lệ mỗi chúng ta, nhắc nhở mỗi chúng ta không ngơi nghỉ trông đợi Chúa dù bao mùa giáng sinh đã trôi qua trên cuộc đời mình. Bạn có khao khát được gặp Chúa mỗi ngày không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *