TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 05/03: GIEO GIỐNG CHI GẶT GIỐNG NẤY
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Gióp 4:7-11
“Ông hãy suy xét lại, nào bao giờ có kẻ vô tội bị hư mất? Đâu có người ngay thẳng lại bị trừ diệt?
Theo điều tôi đã thấy, ai cày sự gian ác, và gieo điều khuấy rối, thì lại gặt lấy nó.
Bởi hơi thở Đức Chúa Trời, chúng bèn hư mất, tại hơi xịt giận Ngài, họ bị tiêu hao đi.
Tiếng gầm của sư tử, và giọng sư tử hét đã êm lặng, và nanh của các sư tử con bị gãy.
Sư tử mạnh bạo chết vì thiếu mồi, và các sư tử con bị tản lạc.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Ga-la-ti 6:7
“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”
Ông Ê-li-pha trình bày với ông Gióp học thuyết của sự trừng phạt với mục đích gì? Có thể để khích lệ bạn mình đừng quá đau buồn vì bạn không phải là người gian ác. Tuy nhiên, căn cứ những câu tiếp theo, chúng ta tin ông muốn cảnh cáo bạn mình rằng, những điều ông gặt chính là hậu quả của những gì ông đã gieo. Về khía cạnh này, ông Ê-li-pha chỉ đúng một phần về nguyên tắc gieo và gặt, nhưng ông sai khi cho rằng người ngay lành, vô tội sẽ chẳng bao giờ gặp tai ương (câu 7).
Về một phương diện, những lời của ông Ê-li-pha nhắc đến nguyên tắc “gieo giống chi gặt giống ấy” (câu 8). Ông tin Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, có quyền trên vạn vật và trên mọi người ác cũng như thiện. Chúa sẽ đáp trả mọi người tùy theo công việc họ làm (Châm Ngôn 22:8; Ô-sê 8:7; 10:13). Ông Ê-li-pha nhắc nhở ông Gióp rằng, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng chỉ bởi “hơi thở” (câu 9) của Ngài mà người ác sẽ bị diệt vong. Dù người ác có hung tợn như sư tử, Chúa cũng sẽ làm cho họ “êm lặng,” “chết,” và “tản lạc” (câu 10-11). Chúa là Đấng Toàn Năng mãi mãi.
Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhở các tín hữu Ga-la-ti và Cơ Đốc nhân ngày nay về nguyên tắc “gieo gì gặt nấy” (Ga-la-ti 6:7). Con dân Chúa phải cẩn thận trong lời nói và việc làm mình. Chúa biết tất cả suy nghĩ và việc làm của chúng ta. Mỗi người sẽ phải trả giá cho việc làm ác của mình. Trên một khía cạnh khác, Cơ Đốc nhân không được phán xét, kết tội người gặp tai ương là người có tội hoặc đáng bị hình phạt. Trong nhiều trường hợp, người vô tội cũng phải chịu đau khổ. Đôi khi Chúa dùng sự hoạn nạn của một người vô tội để kêu gọi nhiều người ăn năn (Lu-ca 13:4-5). Chúa cho một người bị khiếm thị bẩm sinh, không phải do người hay cha mẹ người đã phạm tội, nhưng để công việc của Đức Chúa Trời được bày tỏ (Giăng 9:1-3). Chúng ta cũng thấy nhiều con dân Chúa ngay lành cũng phải chịu khổ, chịu đòn roi (I Phi-e-rơ 2:19-20). Chúng ta phải cầu nguyện cho anh chị em mình trong mọi hoàn cảnh. Mỗi người phải trả lời trước Chúa về mọi việc mình làm khi gặp Chúa trong ngày cuối cùng. Chúa là Đấng toàn năng và công minh sẽ xét đoán người lành và người ác.
Bạn có sẵn sàng khai trình các việc làm của mình khi Chúa trở lại không?
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, là Đấng thành tín với con. Xin cho con luôn cẩn thận trong các việc làm của con. Xin cho con yêu thương, cầu nguyện, và giúp đỡ anh chị em con trong hoạn nạn của họ. Amen.