TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 10/03: THÁNH NHÂN VÀ TỘI NHÂN


0
Categories : Devotions
https://static.oneway.vn/600x600/radio/2017/03/oneway.vn_tnhn_17069.jpg

Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Lu-ca 18:9-14

“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.”

Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Lu-ca 12:14 “Ta nói cùng các ngươi, người này trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” 


Mặc dù khởi đầu lời cầu nguyện bằng Danh Chúa (câu 11a), nhưng lời cầu nguyện của người Pha-ri-si tràn đầy chữ “tôi” (câu 11-12). Lời cầu nguyện này không hướng về Chúa và cũng không dành cho Ngài, không hề chúc tán, ca ngợi Chúa, nhưng là chúc tán, ca ngợi “Tôi.” Qua đó cho thấy người Pha-ri-si đã tự đánh giá mình cao hơn người khác và mình hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Ông không cầu xin Chúa điều gì sau khi kể một loạt những gì ông đã làm. Ông tự nhận những gì mình làm được đã đủ rồi và do đó ông “tạ ơn” Chúa. Ông tạ ơn Chúa không phải vì những gì Chúa làm cho ông mà vì những gì ông tự làm cho mình!

Người Pha-ri-si dựa vào hai tiêu chuẩn để tự đánh giá mình: Thứ nhất, so sánh với người khác (câu 11), và thứ hai, quan điểm của ông và của xã hội (câu 12). Cách đánh giá về chính mình của người Pha-ri-si đã hạ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời xuống ngang hàng với tiêu chuẩn của ông, thay vì ông phải sống đúng với tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Những người sống theo quan điểm này sẽ cậy mình là công chính, khinh dể người khác (câu 9), trở nên kiêu ngạo, không nhận được sự xưng công chính từ Chúa, và bị Chúa đánh hạ (câu 14).

Tương phản với người Pha-ri-si, người thu thuế nhận biết thực trạng của đời sống và nhu cầu được tha thứ, phục hòa với Đức Chúa Trời. Ông đã hạ mình, khiêm cung, đau khổ, ăn năn, thống hối, và nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng có quyền tha tội, cũng là Đấng nhân từ (câu 13). Cũng vì thái độ của người thu thuế khi nhìn về Đức Chúa Trời và về chính ông, nên Ngài nhận lấy tấm lòng ăn năn, thống hối và xưng công nghĩa cho ông. Đừng lầm lẫn khi cho rằng làm người thu thuế thì tốt hơn làm người Pha-ri-si. Điều Đức Chúa Trời chấp nhận người thu thuế và không chấp nhận người Pha-ri-si, không phải do nghề nghiệp của họ, nhưng do tấm lòng của họ có nhận biết Chúa và có ăn năn những vi phạm mình hay không.

Người Pha-ri-si và người thu thuế dù tương phản rõ rệt, nhưng họ vẫn có một điểm chung. Đó là cả hai đều tìm kiếm sự công nghĩa, nhưng hai người có hai cách khác biệt để đáp ứng sự tìm kiếm của họ. Người Pha-ri-si tự xưng công nghĩa cho mình, tự nghĩ mình là thánh nhân, nhưng Chúa vẫn gọi ông là tội nhân. Còn người thu thuế nhận biết mình là tội nhân, nên bởi đức tin ông đã nhận sự xưng công nghĩa mà Chúa ban cho ông để trở thành thánh nhân.

Lạy Chúa, xin dạy con đến với Chúa cách khiêm nhường để tìm kiếm ơn thương xót của Ngài. Chúa là “Đấng ngự trong nơi cao và thánh, nhưng cũng ở với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những người khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn” (Ê-sai 57:15). Amen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *