TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 25/06 TÌM SỰ KHÔN NGOAN TỪ CHÚA
Kinh Thánh: Châm Ngôn 3:5-6
“Hãy hết lòng tin cậy Ðức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”
Phân Đoạn Kinh Thánh Nền Tảng: Gióp 8:8-22
“Xin hãy hỏi dòng dõi đời xưa,
Khá chăm chỉ theo sự tìm tòi của các tổ tiên.
(Vì chúng ta mới có hôm qua, và chẳng biết gì;
Bởi các ngày chúng ta trên đất khác nào một cái bóng);
Chớ thì chúng sẽ chẳng dạy ông, nói chuyện với ông,
Và do nơi lòng mình mà đem ra những lời lẽ sao?
Sậy há mọc nơi chẳng bưng bàu ư?
Lác há mọc lên không có nước sao?
Khi còn xanh tươi chưa phải phát,
Thì đã khô trước các thứ cỏ khác.
Đường lối kẻ quên Đức Chúa Trời là như vậy:
Sự trông cậy kẻ không kính sợ Đức Chúa Trời sẽ hư mất;
Nơi người nương nhờ sẽ bị truất,
Điều người tin cậy giống như váng nhện.
Người ấy nương dựa vào nhà mình, song nhà không vững chắc;
Người níu lấy nó, nhưng nó chẳng đứng chịu nổi.
Trước mặt trời, nó xanh tươi.
Nhành lá che phủ vườn nó.
Rễ nó quấn trên đống đá,
Nó mọc xỉa ra giữa đá sỏi.
Nếu nó bị nhổ khỏi chỗ nó,
Thì chỗ ấy bèn từ chối nó, mà rằng: Ta chẳng hề thấy ngươi!
Kìa, ấy là sự vui sướng về đường lối nó;
Sẽ có loài khác từ đất nảy ra.
Kìa, Đức Chúa Trời chẳng từ bỏ người trọn vẹn,
Cũng không giúp đỡ kẻ hung ác.
Song Chúa sẽ còn làm cho miệng ông được đầy vui cười;
Và môi ông tràn ra tiếng reo mừng.
Những kẻ ghét ông sẽ bị hổ thẹn bao phủ,
Và nhà trại của kẻ ác sẽ chẳng còn.”
Ông Binh-đát tiếp tục bênh vực đặc tính bất biến luôn công bình của Đức Chúa Trời. Ông khẳng định rằng nếu ông Gióp công bình thì không bị hình phạt. Ông khuyên ông Gióp nên học bài học lịch sử (câu 8-11), “hãy hỏi dòng dõi đời xưa”, phải chấp nhận rằng con người “chẳng biết gì” và đời người qua nhanh “khác nào một cái bóng.” Lịch sử bày tỏ rằng khi con người phạm tội, Đức Chúa Trời luôn phạt, sửa trị để đem con dân Chúa trở về đường ngay, lẽ phải và trở về với Đức Chúa Trời.
Ông Binh-đát trình bày thêm về sự công chính của Đức Chúa Trời qua thiên nhiên (câu 11-19). Ông cho rằng mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó, như không có đầm lầy thì làm sao sậy mọc lên được, không có nước thì lác mọc được sao (câu 11). Cùng một lý luận như vậy, khi con người không nương cậy, không kính sợ Đức Chúa trời thì trước sau cũng bị hư mất (câu 13). Con người với sự khôn ngoan hạn chế của mình với đời người ngắn ngủi sẽ mau qua đi, thế hệ mới sẽ tiếp nối mà không nhận biết thế hệ đã qua (câu 18-19). Ông Binh-đát đưa ra kết luận rằng Đức Chúa Trời chẳng từ bỏ người trọn vẹn, sẽ ban cho họ niềm vui, hy vọng và sẽ hình phạt người ác (câu 20-22).
Lý luận của ông Binh-đát về sự công bình của Đức Chúa Trời không sai, nhưng lời khuyên của ông sai vì sự hiểu biết của ông có giới hạn. Hoạn nạn đến với ông Gióp không phải từ tội lỗi của ông, cũng không phải là nguyên do từ tội lỗi của các con ông, nên lời khuyên của ông Binh-đát tuy đúng nhưng lại hóa ra không hiệu quả với ông Gióp. Trong Giăng 9:1-3, khi các môn đồ hỏi vì tội của ai khiến người kia bị mù, Chúa Giê-xu đã trả lời rằng, người bị mù không phải do tội của cha mẹ hay của chính người mù, nhưng để công việc của Đức Chúa Trời được bày tỏ. Là những người làm ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu, chúng ta cần phải cẩn thận trong lời khuyên dạy của mình. Những sự khôn ngoan, kinh nghiệm chúng ta đôi khi không đem lại kết quả tốt và đúng cho con cháu và người thân chúng ta. Chúng ta cần phải cầu nguyện, tìm cầu ý Chúa trong mọi việc làm của chúng ta, phải có sự đồng cảm, hiểu biết với những người đang ở trong hoạn nạn, nghịch cảnh.
Bạn có xin Chúa cho mình sự khôn ngoan, lòng yêu thương cảm thông trong sự khuyên dạy người khác không?
Cầu Nguyện: Lạy Chúa là Đấng công chính, xin cho con biết yêu thương, cầu nguyện, giúp đỡ anh em con trong hoạn nạn của họ bằng sự khôn ngoan, soi sáng của Chúa, chứ không phải bằng khôn ngoan riêng của con. Amen.