Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 29/09 CHỨNG NHÂN MỌI LÚC MỌI NƠI
Kinh Thánh: Công Vụ 26:8 “Ủa nào! Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những người chết sống lại sao?” (BTT). “Tại sao quý vị ở đây lại không thể tin rằng Đức Chúa Trời khiến người chết sống lại?” (BTTHĐ).
Phân Đoạn Kinh Thánh: Công Vụ 26:1-8
Bấy giờ vua Ạc-ríp-ba biểu Phao-lô rằng: Ngươi được phép nói để chữa mình. Phao-lô bèn giơ tay ra, chữa cho mình như vầy: Tâu vua Ạc-ríp-ba, tôi lấy làm may mà hôm nay được gỡ mình tôi trước mặt vua về mọi điều người Giu-đa kiện tôi, nhất là vì vua đã rõ mọi thói tục người Giu-đa, và cũng biết sự cãi lẫy của họ. Vậy, xin vua hãy nhịn nhục mà nghe tôi. Cách ăn nết ở của tôi từ lúc tuổi trẻ, nơi giữa bổn quốc tôi và tại thành Giê-ru-sa-lem, thì mọi người Giu-đa đều biết cả. Ví bằng họ muốn làm chứng về việc nầy, thì biết từ lâu ngày rồi, tôi là người Pha-ri-si, theo phe đó, rất là nghiêm hơn trong đạo chúng tôi. Hiện nay tôi bị đoán xét, vì trông cậy lời Đức Chúa Trời đã hứa cùng tổ phụ chúng tôi, lại mười hai chi phái chúng tôi, lấy lòng sốt sắng thờ phượng Đức Chúa Trời, cả đêm và ngày, mà trông đợi lời hứa ấy được trọn. Muôn tâu, thật là vì sự trông cậy đó mà tôi bị người Giu-đa kiện cáo. Ủa nào! các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại sao?
Được Vua Ạc-ríp-ba cho phép tự biện hộ, Sứ đồ Phao-lô mở đầu bằng những lời lẽ lịch sự (câu 1-3). Tiếp theo, ông kể lại cuộc đời mình là một người Do Thái tin kính, thuộc phái Pha-ri-si nghiêm khắc nhất. Ông nói ông bị đưa ra tòa như hôm nay đây chỉ vì hy vọng vào lời hứa cùng tổ phụ rằng Đức Chúa Trời khiến những người chết sống lại (câu 6). Đó là lời hứa liên quan sự hiện đến của Đấng Mê-si-a. Ông minh chứng niềm hy vọng sống lại được chép trong Kinh Thánh và vì hy vọng ấy mà cả mười hai bộ tộc Y-sơ-ra-ên đã nhiệt thành thờ phượng Đức Chúa Trời ngày và đêm, trông đợi sự hiện đến của Đấng Mê-si-a (câu 7). Như vậy, niềm tin về sự sống lại không phải là điều mới lạ nhưng ông không hiểu tại sao người Do Thái lại không tin điều đó đã được ứng nghiệm trong Đấng Christ qua sự phục sinh của Ngài, mà còn tố cáo và muốn giết chết ông. Rồi ông nói thêm, ông cũng không hiểu lý do gì mà quý vị trong phòng xử án này lại không thể tin Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-xu từ cõi chết sống lại (câu 8). Từ “các ông” trong câu 8 chỉ về Vua Ạc-ríp-ba, Tổng đốc Phê-tu, các quan chỉ huy, và những người lãnh đạo trong thành, là những người đang hiện diện trong phiên tòa (Công Vụ 25:23). Và câu hỏi ấy chính là khởi điểm cho lời chứng về Chúa Giê-xu mà Ngài đã giao phó cho ông khi bắt phục ông trên đường đi Đa-mách.
Trong phần đầu của lời biện hộ, dù Sứ đồ Phao-lô phải tự bào chữa cho mình thoát khỏi án tù hoặc án tử, nhưng ông vẫn không quên trọng tâm của đời ông là làm chứng nhân cho Chúa Giê-xu. Dù đang ở vị trí một tù nhân, nhưng khi Sứ đồ Phao-lô đặt câu hỏi mở đầu cho lời chứng tiếp theo của ông, chúng ta thấy dường như ngược lại, Sứ đồ Phao-lô không còn là tù nhân mà là một người đang giảng Tin Lành cho các vua, quan! Sứ đồ Phao-lô đã nêu gương sống làm chứng nhân cho Chúa mọi lúc mọi nơi cho mỗi chúng ta. Cuộc đời Cơ Đốc nhân dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, cũng không được quên mục đích là làm chứng về Chúa và cứ luôn bám chắc mục đích đó không rời.
Bạn có đang nắm lấy từng cơ hội để giới thiệu về Chúa Giê-xu cho những người chung quanh bạn không?
Cầu Nguyện: Cảm tạ Chúa đã yêu thương, chấp nhận, và cứu một người tội lỗi như con! Xin Chúa ban cho con sự mạnh dạn và nhiệt tình để làm chứng về Chúa cho những người chưa tin.