Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 04/12 PHƯỚC HẠNH THIÊNG LIÊNG (2)
Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:7-8 “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng”.
Phân Đoạn Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:7-10
Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng, khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhân từ Ngài – để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn – hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.
Trong ân sủng và sự thương xót của Đức Chúa Trời, Ngài đã chọn những người thuộc về Ngài từ buổi sáng thế và ban cho họ sự “cứu chuộc” (câu 7). Trong nguyên nghĩa “cứu chuộc” là từ ngữ để diễn tả giá chuộc một tù nhân chiến tranh, một nô lệ, hay cứu một người khỏi án tử hình. Điều đó giúp chúng ta nhận ra nếu không có Chúa, con người chỉ là nô lệ trong tội lỗi và sự chết là hậu quả tất yếu. Bởi ân sủng, Đức Chúa Trời đã giải thoát con người khỏi hoàn cảnh mà con người không thể tự giải quyết. Hơn thế nữa, trong sự “cứu chuộc bởi huyết Ngài” (câu 7) chúng ta còn “được tha tội”. Từ ngữ “tha tội” có nghĩa là “cất đi” và đem chúng ta trở về hình ảnh của Cựu Ước. Trong Đại Lễ Chuộc Tội (Lê-vi Ký 16), thầy tế lễ sẽ giết một con dê, rảy huyết trên nắp thi ân của hòm giao ước, và đặt tay trên con dê thứ hai, xưng các tội lỗi của dân chúng và đặt tội lỗi của cả dân chúng trên mình con dê, sau đó đuổi con dê vào đồng vắng để chết tại đó như hình ảnh “cất đi” tội lỗi. Sự tha tội này được thực hiện “theo sự dư dật của ân điển Ngài” (câu 7). Và vì “ân điển Ngài” là vô hạn, do đó sự tha thứ cũng là vô hạn (Thi Thiên 103:11-12). Có thể nói, khi một người tin nhận Chúa, người đó sẽ nhận lấy một địa vị mới, một đời sống thánh khiết; và đồng thời mất đi sự định tội, cùng những tội lỗi vấn vương trong đời sống (Rô-ma 8:1).
Ngoài ra, để những người được cứu có thể sống và thực hành niềm tin, Đức Chúa Trời cũng ban cho họ sự “khôn ngoan” và “thông sáng” (câu 8). “Khôn ngoan” nói đến sự hiểu biết những gì quý giá nhất, hiểu được những vấn đề vĩnh cửu của sự sống và sự chết, Đức Chúa Trời và con người, đời này và đời sau. “Thông sáng” nói đến sự nhận thức về những việc cần theo đuổi và cần tránh. Đức Chúa Trời không những ban cho những người được cứu sự “khôn ngoan” để hiểu biết “sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài” (câu 9) và chương trình của Chúa cho cuộc đời họ, nhưng cũng ban cho họ sự “thông sáng” để áp dụng những hiểu biết đó vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày.
Bạn biết mình nhận được phước hạnh nào sau khi đã được cứu?
Cầu Nguyện: Tạ ơn Chúa vì bởi sự chết của Chúa Giê-xu mà con nhận được sự cứu rỗi, thoát khỏi án phạt của tội lỗi, và nhận được sự tha tội. Xin cho con sự khôn ngoan để nhận biết ý muốn Chúa và một tấm lòng thuận phục để làm theo ý muốn Ngài. Amen!