Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 10/4 KHI CÁC THIÊN THẦN KHÓC
Trong ngày Chúa chịu khổ nạn, các Thiên thần phải chứng kiến cảnh Chúa chịu tra tấn, nhìn thấy con người nhạo báng, sỉ nhục, đâm gươm giáo vào Chúa của họ đến mức không còn nhận dạng được. Có khi nào bạn tự hỏi, tại sao Ngài lại chọn rời bỏ Thiên Đàng huy hoàng để đến thế gian chịu chết khi chính chúng ta mới là người có tội?
Phân đoạn Kinh Thánh:
Đến giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi? Có mấy ngườiđứng đó nghe vậy, thì nói rằng: Coi kìa, hắn kêu Ê-li. Có một người trong bọn họ chạy lấy bông đá thấm đầy giấm, để trên đầu cây sậy, đưa cho Ngài uống, mà nói rằng: Hãy để, chúng ta coi thử Ê-li có đến đem hắn xuống chăng! Nhưng Đức Chúa Jêsus kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên chí dưới. Thầy đội đứng đối ngang Ngài, thấy Ngài trút linh hồn như vậy, thì nói rằng: Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời (Mác 15:34-39)
Vui mừng vì Chúa Giê-xu – Con Đức Chúa Trời – đã sống lại, để những ai tin vào sự chết và sự sống lại huy hoàng này sẽ được hưởng nước Thiên Đàng. Khi nghĩ về bầu trời tối tăm mù mịt và bức màn trong đền thờ bị xé đôi trong ngày Chúa chết (Mác 15:33-37, Lu-ca 23:44-46), ca khúc về tiếng khóc của vạn Thiên thần sẽ trở nên vô cùng chân thật, chúng ta sẽ vô cùng biết ơn Chúa vì đã không rời bỏ thập giá, và dùng mạng sống mình để chuộc lại sự sống đời đời cho chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng lao của ông cho biết những việc họ làm là “vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động”. Động cơ khiến họ sẵn sàng chịu khổ để rao giảng Tin Lành là chính vì tình yêu của Chúa. Họ cảm biết tình yêu Chúa dành cho mình quá lớn, và tình yêu ấy hướng dẫn đời sống họ, để những gì họ làm tất cả đều nhằm tôn cao Chúa.
Bởi vì Chúa Giê-xu đã làm một việc quá lớn lao mà không một giáo chủ tôn giáo nào có thể làm được, đó là chết vì mọi người và sống lại, đắc thắng sự chết “để cứu mọi kẻ tin”, để không còn ai mắc nợ tội nữa. Phao-lô viết “Vậy nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả” (Rô-ma 6:10a-BTT). Chúa Giê-xu đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với thế gian, với từng cá nhân những người tin nhận Chúa.
Cầu nguyện: “Thưa Chúa yêu dấu, từ mồ mả, từ cõi chết, Đấng Quyền Năng của chúng con đã sống lại! “Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình”. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã chết để chúng con được sống. Xin giúp chúng con mỗi ngày đều có thể vui mừng bước đi với Chúa, và đóng đinh con người cũ của mình, để sống một cuộc đời mới cho Chúa. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men!”.
Chúa Giê-xu chết để chúng ta được sống, vì vậy chúng ta không thể sống như trước kia nữa, mà phải sống một đời sống mới, vì Ngài. Đời sống cũ từ nay không có quyền gì trên chúng ta nữa, chỉ chính Chúa là Chủ cuộc đời chúng ta.
Trên thực tế con người cũ của chúng ta vẫn còn đó, vẫn luôn cám dỗ chúng ta sống theo đời sống cũ. Để đắc thắng, cần nhớ rằng nếu Chúa không chết vì chúng ta thì chúng ta cũng không thể sống (I Giăng 4:9). Cho nên cuộc sống của chúng ta hiện nay không thuộc về chúng ta nữa, mà thuộc về Chúa. Mỗi Cơ Đốc nhân cần nhận thức điều này để sẵn sàng tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, và nếu có thể cam kết như Sứ đồ Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20a). Hallelujah! Ngợi khen Chúa!