Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 15/4 VƯỢT QUA MẶC CẢM
Ai trong chúng ta cũng từng rơi vào những khoảnh khắc áy náy, thậm chí xấu hổ, mặc cảm khi làm một việc lẽ ra không nên làm. Và, sự mặc cảm hủy hoại cách chúng ta nhìn nhận bản thân.
Và, điều chúng ta nên làm là tìm đến Kinh Thánh – quyển sách luôn đưa ra những giải pháp cho tội lỗi, sự tha thứ, giúp con người vượt qua mặc cảm.
Kinh Thánh nền tảng: “
Khi Mê-phi-bô-sết, con trai của Giô-na-than, cháu Sau-lơ, đã đến bên Đa-vít, thì sấp mình xuống đất và lạy. Đa-vít nói: Ớ Mê-phi-bô-sết! Người thưa: Có tôi tớ vua đây.
Đa-vít nói cùng người rằng: Chớ sợ, ta muốn làm ơn cho ngươi vì cớ Giô-na-than, cha ngươi; ta sẽ trả lại cho ngươi những đất của Sau-lơ, ông nội ngươi, và ngươi sẽ ăn chung bàn ta luôn luôn.
Mê-phi-bô-sết bèn lạy, mà nói rằng: Kẻ tôi tớ vua là gì, mà vua lại đoái mắt đến một con chó chết, như tôi đây?
” (2 Sa-mu-ên 9:6-8 – BTT)
Kinh Thánh ghi nhớ: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”
(2 Cô-rinh-tô 5:17-BTT)
Một câu chuyện nổi bật về mặc cảm tội lỗi, nói về Mê-phi-bô-sết, con trai của Giô-na-than – bạn thân của Đa-vít, cháu của vua Sau-lơ. Tên ông theo tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “sự hổ thẹn”. Tuy nhiên, nhờ vào sự rộng lượng của vua Đa-vít, Mê-phi-bô-sết đã vượt lên mặc cảm, phá vỡ được nỗi hổ thẹn của mình.
Mê-phi-bô-sết rất xấu hổ vì tội lỗi của người ông mình, nhưng ân sủng đã thay đổi cuộc đời cậu. Theo Kinh Thánh, về thể chất Mê-phi-bô-sết bị què hai chân từ bé. Số phận của cậu đã bị hủy hoại bởi lối sống và hành vi của ông cậu – người luôn tìm giết Đa-vít vì ganh ghét. Cậu sống gần như ẩn dật khi Đa-vít tìm cậu. Và khi ra mắt vua Đa-vít, cậu tự xem mình như một “con chó chết”.
Rất có thể trong suốt cuộc đời còn lại, Mê-phi-bô-sết phải sống dưới lòng thương xót của người khác, bởi vì vua Sau-lơ đã hủy hoại tương lai cậu, mặc dù dòng dõi hoàng tộc, Mê-phi-bô-sết không có gia sản, phải sống lệ thuộc vào lòng thương xót của kẻ khác, từ đó ông mặc cảm, tự xem mình là mợt “con chó chết”.
Mọi người đều muốn được đánh giá cao, sự công nhận luôn quan trọng đối với nhiều người. Chúng ta không nhận được ơn của Đức Chúa Trời vì những điều tốt đẹp mình đã làm? Chúng ta không được đối xử như một phần của gia đình Đức Chúa Trời vì công việc mình làm? Có thể chúng ta bị đủ thứ khuyết tật khi Ngài tìm thấy chúng ta. Chúng ta đang sống khép mình vì mặc cảm? Chúng ta không thích bản thân mỗi khi soi gương? Chúng ta đều bị ai đó làm tổn thương trước khi Chúa tìm thấy… Tất cả đều không thành vấn đề trước Chúa. Chúng ta có được vị trí con Ngài là nhờ Chúa Giê-xu, được dự phần vào bàn của Đức Chúa Trời vì Ngài ban cho chúng ta một chỗ bởi sự rộng lượng của Ngài.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16-BTT) – câu Kinh Thánh mô tả rất chính xác tình yêu và lòng nhân từ của Chúa đối với con người.
Không ai trong chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời bằng thành tích. Chúng ta có thể dâng hiến rất nhiều, nhưng điều đó không làm nên giá trị của chúng ta trước Chúa. Chỉ trong Chúa Giê-xu, Ngài phục hồi những gì đã mất, đưa chúng ta vào gia đình Ngài. Đó là ân sủng. Chúng ta không phải là “con chó chết” nữa, mà được ngồi vào dùng bữa ở bàn của Vua.
Cầu nguyện: “Cảm ơn Chúa vì dù chúng con tội lỗi, yếu đuối và đầy mặc cảm. Thì Ngài vẫn yêu thương, cứu chuộc chúng con qua huyết báu của Chúa Giê-xu. Để trong Ngài, chúng con được dựng nên mới, không còn mặc cảm, tự ti về bản thân mình nữa. Chúng con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men!”