Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 21/6 THẾ GIỚI LÀ CỘNG ĐỒNG CỦA CHÚNG TA
Cầu nguyện không chỉ là… xin Chúa làm việc này việc kia cho mình, nhưng thực sự là một cuộc đối thoại với Đức Chúa Trời. Vì Chúa không chỉ lắng nghe chúng ta đề đạt các “mong muốn, khao khát” của mình qua sự cầu nguyện, mà chúng ta cũng rất cần lắng nghe điều Ngài muốn phán cho mình. Cầu nguyện chính là một vinh dự, vì được làm “kẻ nhắc nhở” Đức Chúa Trời.
“
Hỡi Giê-ru-sa-lem, trên các tường thành ngươi, Ta đã đặt lính canh; suốt cả ngày đêm, họ sẽ không bao giờ nín lặng. Hỡi những kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, đừng nghỉ ngơi chút nào” (Ê-sai 62:6 BTTHĐ)
Vào đầu những năm 1700, một nhóm người tị nạn sùng đạo lập thành một ngôi làng tại Moravia, Đức. Họ đặt tên làng là Herrnhut, nghĩa là: Tháp canh của Đức Chúa Trời”. Mặc dù Herrnhut trở thành cộng đồng của những người tu hành sống lưu vong, nhưng họ có ngôn ngữ và tín điều khác nhau: người Lutheran, người Cải chánh, người theo chủ nghĩa phân lập và các nhóm khác nữa… sống cạnh nhau.
Nhưng rồi sự bất đồng gia tăng. Mối quan hệ dần đổ vỡ. Cộng đồng đang trên bờ vực tan rã thì mọi người quyết định “chuyên tâm về sự cầu nguyện và phục vụ lời Chúa” như Kinh Thánh dạy trong Công Vụ 6:4. Họ bắt đầu học Lời Chúa, tỉnh thức cầu nguyện suốt đêm và xưng tội cùng nhau.
Và ngày 13/8/1727, phép lạ kỳ diệu đã xảy ra. Trong một buổi lễ báp-têm và tiệc thánh, Đức Thánh Linh đã hành động trong căn phòng. Thần Tình Yêu đã thăm viếng những người tham dự. Những khác biệt được giải quyết, họ chấp nhận nhau trong tình yêu thương và tha thứ.
Họ bắt đầu tỉnh thức cầu nguyện 24 giờ mỗi ngày, kéo dài đến 100 năm. Khải tượng của họ dựa trên phân đoạn Kinh Thánh Ê-sai 62:1-7. “Hỡi Giê-ru-sa-lem, trên các tường thành ngươi, Ta đã đặt lính canh; suốt cả ngày đêm, họ sẽ không bao giờ nín lặng. Hỡi những kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, đừng nghỉ ngơi chút nào”. (Ê-sai 62:6)
Tầm ảnh hưởng của việc tỉnh thức cầu nguyện vươn ra xa. Sự cưu mang cho công tác truyền giáo hình thành. Các giáo sĩ được sai đi khắp nơi trên thế giới. Nhiều người được ảnh hưởng bởi sự tận hiến và cam kết của nhóm người Moravia này, trong đó có John và Charles Wesley, người sáng lập Hội thánh Giám Lý và William Carey, một giáo sĩ ở Ấn Độ.
Hội Thánh đầu tiên hiểu được việc cầu nguyện không thôi là thiết yếu, vì cuộc chiến thuộc linh diễn ra liên tục. Cầu nguyện trở thành ưu tiên của họ. Không lâu sau ngày lễ Ngũ Tuần, số lượng môn đồ tăng lên cũng như trách nhiệm của họ. Nhu cầu giúp đỡ các môn đồ trở nên rõ ràng như chăm sóc người góa bụa. Nhưng thay vì từ bỏ việc cầu nguyện, các chấp sự được chọn lựa để chăm sóc Hội Thánh và dân sự. Cầu nguyện là quan trọng nhất, và Hội Thành càng tăng trưởng thì họ càng hiểu được tầm quan trọng của việc cầu nguyện.
Đối với chúng ta hôm nay cũng vậy. Công tác cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa nên ưu tiên hàng đầu. Hãy thử tưởng tượng nếu tất cả chúng ta đều ưu tiên cầu nguyện? Tất cả chúng ta đều kết ước phục vụ Lời Chúa? Gia đình và cộng đồng của chúng ta sẽ thế nào nếu tất cả chúng ta đều “chuyên tâm về sự cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”?
Nhận biết rằng “Đức Chúa Giê-xu hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” đã truyền cảm hứng cho tôi nhìn về quá khứ để thấy công việc của những anh em trong Đấng Christ. Tôi được khích lệ và có thêm động lực để cầu nguyện không thôi và tìm kiếm cơ hội chia sẻ Tin Lành của Chúa Giê-xu Christ.
John Wesley từng nói: “Tôi nhìn thế giới như là giáo xứ của tôi; ý tôi muốn nói rằng tôi là một phần trong thế giới đó, tôi đánh giá nhu cầu, quyền lợi của họ, và nghĩa vụ của tôi là công bố tin mừng cứu rỗi đến tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe”.
Chúng ta hãy tiếp nhận sự kêu gọi đó. “Thế giới là cộng đồng cơ đốc của chúng ta”. Thế giới đang chịu tổn thương. Thế giới cần Phúc âm của Chúa Giê-xu Christ. Chuyên tâm về sự cầu nguyện và phục vụ lời Chúa chính là câu trả lời. Chúng ta có thể học từ Hội Thánh đầu tiên. Chúng ta có thể trưởng thành như Hội Thánh người Moravia. Chúng ta có mặt ở đây vì cớ cơ hội lúc này. Chúng ta càng chuyên tâm tìm kiếm ý muốn của Chúa qua sự cầu nguyện, thì Ngài sẽ càng hoàn thành ý muốn của Ngài qua chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình trong 2 Cô-rinh-tô 5:20 “Vậy, chúng tôi là đại sứ của Đấng Christ, Đức Chúa Trời dùng chúng tôi để khuyên mời. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ nài xin anh em hãy làm hòa với Đức Chúa Trời”
Cầu nguyện: “Thưa Cha yêu kính. Cảm ơn Ngài vì tấm gương cầu thay cao cả của Đức Chúa Giê-xu, Ngài đã “đứng trong chỗ sứt mẻ”, chịu sự trừng phạt vì tội lỗi của chúng con. Xin nhắc chúng con luôn nhớ rằng vì Ngài mà Đức Chúa Cha đã ban ân điển và sự thương xót thay vì sự phán xét mà chúng con đáng phải chịu. Chúng con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen!”