Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 22/6 TỔN THƯƠNG VÀ TAN VỠ


0
Categories : Devotions

Bạn có tin rằng trong mọi hoàn cảnh, Đấng toàn năng sẽ luôn ở cùng và chiến đấu với chúng ta? Không có điều tệ hại nào hơn nỗi sợ hãi, khi vẫn biết rõ rằng Đức Chúa Trời luôn bên cạnh chúng ta. Bạn thân mến, bạn cần tin chắc rằng Chúa luôn là nơi nương náu và là sức mạnh của chúng ta trong hoạn nạn, trong những lúc yếu đuối, tổn thương…

Không ít người phải trải qua những điều kinh khủng mà cuộc sống mang lại. Đôi khi, đó là kết quả của bệnh tật, tai nạn, nhưng cũng lắm khi do một ai đó cố tình gây ra.

Debbie lớn lên trong gia đình Cơ Đốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô gặp Kyle, chàng trai cùng Hội Thánh. Sau thời gian hẹn hò, Kyle ngỏ lời muốn kết hôn với Debbie, và cô đồng ý với mong muốn sẽ được hạnh phúc mãi mãi.

Thế nhưng chỉ vài tháng sau đám cưới, chuyện xảy ra khiến Debbie không chấp nhận nổi: khi cô đi làm về thì phát hiện chồng đang uống rượu. Trong lúc cãi vả, anh ta đánh cô. Bàng hoàng, cô gọi cho Mục sư. Mọi chuyện tưởng được cải thiện sau khi Mục sư tư vấn. Nhưng rồi một đêm, Kyle dí súng vào đầu Debbie. Trong cơn hoảng loạn, Debbie vùng chạy thoát.

Mặc dù nhà bà của Debbie cách đó vài cây số, nhưng cô đã chạy một mạch tới đó và… sống sót. Dầu vậy, bên trong cô tổn thương, tan vỡ, mất lòng tin… Cô từ bỏ Kyle và cả niềm tin của mình nơi Đấng Christ.

Mỗi người trong chúng ta chắc cũng đôi lần tan vỡ, dù ở mức độ nào. Có thể bên ngoài chúng ta không biểu lộ, nhưng tổn thương vẫn nằm sâu bên trong. Nếu muốn được chữa lành, bạn hãy nhìn vào gương ông Gióp, Sứ đồ Gia-cơ hay chính Đức Chúa Giê-xu – để học cách phản ứng trước tổn thương, đau đớn.

Mặc dù là người công chính, nhưng ông Gióp đã phải chịu đựng mất mát của cải, đau đớn về thể xác và bạn bè lên án. Ngay cả bà vợ ông cũng quyết từ bỏ hy vọng, đức tin, bà còn gợi ý ông hãy rủa sả Chúa rồi chết đi.

Nhưng thay vì làm vậy, ông Gióp đã hướng về Chúa, ông bắt đầu hiểu được sự yếu đuối của mình và cảm thấy cần Chúa hơn. Đó là bài học mà đôi khi chúng ta cần trả giá đắt mới học được. Chúng ta có xu hướng dựa vào bản thân, quên rằng mình cần Chúa thế nào. Trong thời khắc đen tối nhất, ông Gióp đã chọn Chúa, chúng ta cũng cần làm vậy.

Đau đớn giúp ta hình thành nhân cách. Gia-cơ 1:2-4 dạy rằng hãy vui mừng trong hoạn nạn, thử thách, bởi nó giúp ta trưởng thành. Nỗi đau có thể khiến chúng ta tan vỡ, cũng có thể khiến chúng ta mạnh mẽ, sâu sắc hơn.

Hoạn nạn giúp chúng ta nhân lên lòng thương xót. Khi Đức Chúa Giê-xu nhìn đoàn dân đông, Ngài động lòng thương xót. Ngài quan tâm, nhìn thấu những tổn thương và nhu cầu của họ: Ngài cho họ ăn, chữa lành, dạy dỗ và yêu thương họ. Sứ đồ Phao-lô viết trong 2 Cô-rinh-tô 1:4, rằng Chúa an ủi chúng ta trong hoạn nạn để chúng ta có thể an ủi người khác.

Có người phản ứng với nỗi đau bằng cách trở nên cứng cỏi, cay đắng, giận dữ. Có người ghen tị khi thấy người khác thuận lợi hơn. Nếu muốn trưởng thành trong Đấng Christ và tận hưởng cuộc sống dư dật, chúng ta cần đến với Chúa, nhờ Ngài giúp trưởng thành nhân cách và phát triển lòng thương xót.

Trong phim “Những người khốn khổ” có vị Mục sư hát cho một kẻ đang đói – một tội phạm vô gia cư: “Hãy vào đây, vì anh đang mệt mỏi, đêm thì dài và lạnh. Tôi có một cái giường để anh có thể nghỉ ngơi tới khi trời sáng; xa khỏi những nỗi đau, những lỗi lầm…”

Đó cũng là điều Chúa phán với chúng ta trong Ma-thi-ơ 11:28: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ”.

 Cầu nguyện: “Cảm tạ Chúa vì Ngài chính là nơi chúng con nương náu, là nguồn sức mạnh khi chúng con tổn thương, tan vỡ, kiệt sức; Ngài luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng con lúc gian truân. Xin giúp chúng con luôn vững vàng trong đức tin, cho dù sóng gió có bủa vây quanh… Chúng con cảm ơn Ngài và thành kính cầu nguyện trong Danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen!”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *