Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 6/7 TỰ THƯƠNG HẠI MÌNH
Lần cuối cùng chúng ta thương hại bản thân là khi nào? Có phải mới hôm qua, hay mới tuần rồi chúng ta đã có 1 ngày không như ý. Và mọi việc xảy đến ngoài tầm kiểm soát, rồi chúng ta thấy thương hại mình vì đã phải đối diện nhiều thứ đến như vậy. Nhưng chúng ta có nhìn thấy kế hoạch của Chúa trong đó không? Có thấy lý do Ngài đem đến cho chúng ta là gì không? Hay chúng ta để cho việc tự thương hại bản thân cứ tuôn chảy trong sự cay đắng?
“Hãy làm mọi việc không một tiếng cằn nhằn hay lưỡng lự” (Phi-líp 2:14) (Bản TTHD)
Ngày nay, thật dễ để người ta bày tỏ sự tự thương hại ra ngoài, kiểu như bạn ngồi đọc sách, thưởng thức sô-cô-la, rồi khóc, và than thở “ Ôi! Khổ thân tôi chưa!”.
Chúng tôi đã có buổi họp mặt tuyệt vời cùng các bạn học cũ thời trung học, ngắm nhìn nơi tôi đã lớn lên. Sau đó, tôi bị cảm lạnh vì thức khuya, và cảm thấy mình ho nhiều hơn ngủ.
Chúng tôi trở về nhà lúc 2 giờ sáng, cho nên ngày thứ hai tôi cứ lờ đờ vì vậy tôi đã cố gắng chợp mắt và ngủ trưa một lát. Sáng hôm sau tôi phải dạy nhóm phụ nữ học Kinh Thánh. Trên đường về nhà, tôi mua thực phẩm để chứa vô tủ lạnh. Sau đó, tôi lại ngủ trưa nữa trước khi tới nhóm học Kinh Thánh hàng tuần vào buổi tối.
Sáng thứ tư tôi thức dậy và thật khoan khoái, nghĩ mình có cả ngày bận bịu. Nhưng tôi đã không nghĩ đến việc này; khi vào văn phòng lấy máy tính, tôi bị trượt chân qua bàn cà-phê, cả người tôi đè lên bàn tay còn các ngón tay bị lật ngược vì quên không bật đèn.
Trong khi tôi lấy đá chườm lên tay trong 20 phút, và 40 phút tiếp theo dùng một tay để làm việc, cơ thể tôi bắt đầu góp phần than vãn: “Ôi, mình vẫn còn rất mệt cơ mà!”
Sau đó, tôi cầu nguyện. Một lần nữa lời Chúa trong Phi-líp 2:14 nhắc nhở tôi “Hãy làm mọi việc không một tiếng cằn nhằn hay lưỡng lự”. Tôi làm tiếp công việc mà không lằm bằm hay than phiền và tự nói với bản thân rằng Chúa luôn kiểm soát.
Châm Ngôn 20:24 chép: “Các bước đi của loài người do Đức Giê-hô-va quyết định, làm sao loài người hiểu được đường lối mình”
Chúng ta không biết hết lý lẽ của Đức Chúa Trời, cũng không thể thấy kế hoạch của Ngài. Chúng ta biết Ngài yêu thương và đang làm mọi sự vì ích lợi của chúng ta. Giê-rê-mi 29:11 chép: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.” Thật vậy sao Chúa? Con bị cảm lạnh, mệt mỏi, cơ thể đau nhức, rồi Ngài còn để con trượt té trật ngón tay nữa, đó là kế hoạch tốt lành của Ngài đó sao? Tôi không hiểu kế hoạch của Chúa là gì, và có thể bạn cũng không hiểu hoàn cảnh của mình.
Một người bạn, một vị Mục sư tốt đã gợi ý khi mọi sự không theo ý chúng ta, hay hoàn cảnh dường như ngoài tầm kiểm soát, chúng ta phải hỏi Chúa: “Việc kế tiếp là gì thưa Chúa?”
Khi chúng ta hỏi Chúa “Sao lại là con?”, điều đó có nghĩa là chúng ta cho rằng mình biết rõ điều nào tốt nhất cho cuộc đời mình hơn cả Chúa. Đúng thời điểm, Chúa sẽ bày tỏ lý do vì sao chúng ta phải trải qua các hoàn cảnh nhất định. Nhưng bây giờ, điều chúng ta phải biết là cần làm gì tiếp theo? Hãy chậm lại để nghe Chúa trả lời: “Điều kế tiếp là gì?”
Thi Thiên 46:10 chép: “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời”. Vâng, có thể hôm nay, sự yên lặng của tôi là ngồi chườm đá lên tay 20 phút mỗi giờ.
Hôm nay Chúa cho phép điều gì xảy ra trong đời bạn? Bạn vẫn đang hỏi Chúa: “Tại sao lại là con?”, hay bạn đã sẵn sàng để hỏi: “Tiếp theo là gì thưa Chúa?”.
Chúng ta rất dễ tự thương hại mình. Vì thế để lắng nghe và làm theo các hướng dẫn của Chúa thì cần phải có sự can đảm, kiên nhẫn và trưởng thành.
Cầu nguyện: Chúa ơi!
Xin Ngài tha thứ cho con trong những lần con dễ dàng thương hại bản thân mà quên đi chính Ngài là Đấng kiểm soát mọi việc trong đời sống con. Xin Thánh Linh Ngài đổ thêm trên con linh lực để con có đủ sức đối diện với những điều xảy ra không như mắt hạn hẹp của con nhìn thấy; và mở mắt con để con nhìn thấy Chúa luôn là tốt lành trong mọi việc Ngài dành cho con. Xin dạy con nhận lấy phần mình được dạy dỗ như sự vui mừng, để tâm linh con được Ngài an ủi mà không cần tự thương hại bản thân mình như cách con vẫn hay làm.