Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 13/7 Đấng Chu Cấp
Mỗi ngày chúng ta cầu nguyện trước bữa ăn như một thói quen hơn là sự vui mừng tạ để ơn Chúa về sự chu cấp của Ngài. Có lẽ đối với chúng ta bây giờ không quá khó để có được thức ăn. Vài mươi nghìn cũng có thể có một bữa ăn đạm bạc, hay ngồi tại nhà vẫn có thể gọi thức ăn đến. Vậy nên chúng ta quên mất sự chu cấp diệu kỳ của Chúa mỗi ngày. Bài học ngày hôm nay sẽ đem chúng ta quay về với dân Y-sơ-ra-ên trong những ngày nhận nguồn chu cấp duy nhất từ Chúa, để nhắc nhở chúng ta biết ơn hơn về những điều mà Đức mà Chúa Trời đang làm để duy trì cuộc sống vật lý của chúng ta.
“Vì vậy Ta nói với các ngươi, đừng vì mạng sống mình mà lo ăn gì hoặc uống gì; cũng đừng vì thân thể mình mà lo mặc gì. Mạng sống há chẳng quý trọng hơn thực phẩm sao? Thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao”? (Ma-thi-ơ 6:25 – BTTHĐ)
Từ bé, tôi luôn thích thời gian cùng vào bếp với bà. Sống trong đại gia đình người Ý, tất cả những kỷ niệm đáng quý và quan trọng của tôi đều liên quan đến… ẩm thực. Các bữa ăn hay yến tiệc là trọng tâm của mọi kỳ nghỉ, dịp sinh nhật, và những ngày Chúa Nhật đơn thuần. Bà tôi luôn muốn làm thức ăn cho mọi người, bà yêu thích việc nấu ăn cho người khác và điều này mang lại niềm vui cho bà. Bà đem thức ăn đến cho những người bạn, những ai đau ốm hoặc chỉ cần được quan tâm đến một chút. Bà luôn chuẩn bị và sẽ thấy có lỗi nếu không chuẩn bị sẵn đủ thức ăn trong tủ lạnh cho mọi người. Tôi tin đây chính là đặc điểm thừa hưởng không lay chuyển của người Ý, ít nhất là trong gia đình tôi. Tôi cũng nấu ăn cho mọi người. Với tôi, chẳng có cảm giác nào tệ hơn là không thể chuẩn bị bữa ăn cho gia đình và các con.
Tôi nghĩ về dân Y-sơ-ra-ên khi lang thang trong đồng vắng, họ cần nương cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời – Đấng ban cho họ ma-na mỗi ngày. Họ không được lấy phần ăn nhiều hơn một ngày, nếu lấy nhiều hơn, thức ăn sẽ bị hư ngay.
Họ không phải trữ thức ăn dự phòng, không phải sợ sẽ ra sao nếu ngày mai Chúa ‘quên’ ban thức ăn cho họ! Họ phải có đức tin vâng phục trong những gì họ không nhìn thấy, và tin cậy trọn vẹn rằng mỗi ngày họ sẽ đi ra và nhặt thức ăn khác về cho con cái mình. Họ phải tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp lương thực để nuôi dưỡng họ trong một ngày mới. Mác 10:36, Chúa Giê-xu hỏi “Các con muốn Ta làm gì cho các con?”. Chúa chỉ muốn chúng ta tin cậy Ngài. Ngài muốn chúng ta nói cho Ngài biết điều mình cần.
Chúng ta không nhận được đơn giản vì chúng ta không cầu xin. Khi truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên không được nhặt thức ăn nhiều hơn nhu cầu 1 ngày, Đức Chúa Trời mong muốn họ hoàn toàn nương nương cậy nơi ân điển nhân từ của Ngài – ân điển ấy chỉ đến từ Ngài và đủ để chăm sóc nhu cầu chúng ta mỗi ngày.
Trong II Cô-rinh-tô 12:9, Chúa phán cùng Phao-lô rằng: “ Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Và Phao-lô đáp ứng bằng cách “vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi”. Đôi khi chúng ta nhìn về phía trước với những núi đồi chúng ta phải đối diện, với những thử thách và bão táp tràn ngập dường như muốn nhấn chìm chúng ta, làm chúng ta không thể xoay sở.
Nhưng Chúa lại xuất hiện để giúp đỡ chúng ta mỗi ngày bằng ân điển diệu kỳ và một đợt ma-na tươi mới từ trời của Ngài. Ngài đang phán với bạn: “Hãy tin cậy Ta, chúng ta sẽ cùng vượt qua khó khăn của ngày hôm nay. Và Ta sẽ trở lại cùng con và chúng ta sẽ xử lý vấn đề của ngày mai”. Hãy nhớ rằng khi chúng ta yếu đuối, ân điển Ngài trở nên trọn vẹn. Chúa luôn biết và sẽ luôn chu cấp cho những ai đến với Ngài và hết lòng tin cậy.
Cầu nguyện: Chúa ơi! Xin tha thứ cho con khi cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, con lại ít nhìn ra sự chu cấp của Ngài. Xin Chúa Thánh LINH mở mắt con nhìn biết Chúa vẫn chính là Đấng duy nhất chu cấp những nhu cần cho con chứ chẳng phải con có thể tự sức mình làm được điều gì. Để khi con thực sự cần điều gì khác hơn, lớn lao hơn thức ăn mỗi ngày, con biết chạy đến với Chúa kêu cầu chứ không phải tự mình xoay sở với năng lực hạn hẹp của mình. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. A-men!