Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 30/7 THA THỨ BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?
Không ai trong chúng ta xứng đáng để nói rằng “tôi tha thứ cho bạn”, bởi lẽ chúng ta đều như nhau, chẳng qua sự ác tệ của mình ít hơn một chút so với người kia, nhưng điều đó cũng chưa chắc. Vậy chúng ta cần có cái nhìn như thế nào về sự tha thứ và cách nào để chúng ta bỏ đi lòng giận với anh em?
“Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.”
(Lu-ca 6:27-28 – BTTHĐ)
“Lúc ấy, Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Jesus và hỏi: “Thưa Chúa, nếu anh em con phạm lỗi với con, thì con sẽ tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Ngài đáp: “Ta không nói với con chỉ bảy lần đâu, nhưng là bảy mươi lần bảy”. Kinh Thánh Ma-thi-ơ 18: 21-22 đưa ra một vấn đề nhạy cảm nhưng cũng phổ biến với nhiều Cơ Đốc nhân. Tha thứ bao nhiêu là đủ? Và chúng ta đã thấy câu trả lời của Chúa Giê-xu..
Phi-e-rơ đồng đi với 11 môn đồ khác và Chúa Jesus. Một tập thể nhiều cá tính, thói quen và tâm trạng. Một số thì linh hoạt và bộc phát, như Phi-e-rơ, số khác thì cứng nhắc và khép kín…hoặc chống cự.
Những người chúng ta phải tha thứ thường là những người gần gũi với chúng ta nhất. Một nữ tín đồ từng chia sẻ bí quyết thành công trong 50 năm kết hôn: “Hãy hít thở bằng sự tha thứ”.
Chúa Jêsus biết giá trị của sự tha thứ … và những thất bại, bất toàn của con người chúng ta. Chúa nói ở Lu-ca 6:27-28: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình”.
Tại sao lời chúc phước đáp lại lời rủa sả? Tha thứ là một quyết định tích cực. Tất cả chúng ta đều cần sự thương xót của Chúa Jêsus vì tội lỗi mình. Chúng ta cậy vào tình yêu Ngài che phủ những vi phạm của chúng ta. Như Ngài đã hy sinh vì sự tha thứ của chúng ta, chúng ta cũng nên từ bỏ sự kiêu ngạo và phán xét để tỏ lòng khoan dung với người khác.
Ma-thi-ơ 5: 46-48 bày tỏ cách hành xử ở địa vị con cái của Đức Chúa Trời:
“Nếu các con chỉ yêu thương những ai yêu thương mình thì có gì đáng khen đâu? Những người thu thuế chẳng cư xử như vậy sao? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình mà thôi thì có hơn gì ai đâu? Các dân ngoại chẳng cư xử như vậy sao? Thế thì các con phải nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện”.
Đôi khi, người phối ngẫu, cha mẹ, anh chị em ruột hay con cái chúng ta lại giống như kẻ thù mà Chúa Giê-xu nói hãy yêu thương họ. Thật khó để yêu và cảm thấy được yêu khi hành động và tình cảm luôn thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, từng phút. Tuy nhiên, dù chúng ta thấy như mình đang tranh chiến với những người thân yêu, nhưng không phải. Có một kẻ thù của linh hồn, luôn bất ngờ phục kích vào mối quan hệ của chúng ta
Đằng sau sự không tha thứ là Satan, kẻ thù vô hình, đang hành động để chia rẽ, tạo nên những ngăn cách và thù hận. Nếu chúng ta nhường tâm trí và tấm lòng cho hận thù, chúng ta không thể yêu kẻ thù nghịch mình, không thể giúp những người chúng ta yêu thương. Bởi vì chúng ta không thể sử dụng quyền năng lớn nhất được ban cho bởi Đức Chúa Trời — quyền năng của tình yêu.
Tình yêu mạnh hơn thù hận. Đức Thánh Linh trao cho chúng ta năng lực để tha thứ khi chúng ta ở trong Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã treo mình trên thập tự và chết vì tội lỗi chúng ta. Ngài cũng đã tha thứ cho những người đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Hôm nay Chúa đang sống và năng quyền tình yêu vẫn tuôn đổ qua huyết của Ngài. Ngoài Chúa, chúng ta không thể làm gì khác. Nhưng trong Ngài, chúng ta có thể chọn tha thứ – chỉ đơn giản bằng cách cầu xin Chúa Giê-xu – Đấng biết rõ cách tốt nhất để giúp chúng ta.
Cầu nguyện: Chúa ơi! Xin Chúa tha thứ cho con vì đã rơi vào cạm bẫy của Sa tan mà kiêu ngạo, tự cho mình quyền phán xét anh em, có quyền trói buộc hay tha thứ họ, mà quên mất rằng con cũng đang đội ơn thương xót và tha thứ của Ngài. Xin Chúa giúp con dùng năng quyền tình yêu Ngài để loại khỏi con những hận thù, những ghim guốc nơi anh em con. Và giúp con sống bày tỏ tình yêu thương giống như Ngài đã yêu con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu, A-men!