Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 4/9 NẾU CHÚNG TA TIN
Nhiều lần chúng ta đã nghĩ “người này có thể giúp mình” “người kia đáng tin cậy để nhờ vả” … và chúng ta nghĩ về các nguồn cứu giúp ngay vừa khi than thở với Chúa xong. Chúng ta quá vội trong việc chờ đợi.
“Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.” (1 Phi-e-rơ 5:7)
Khi bệnh viện Hospice là nơi dành chăm sóc cho những bệnh nhân cuối đời gửi trả về, đó là điều đáng mừng. “Gửi về” có nghĩa là bạn đang hướng tới sự sống, không phải chết. Đó là lý do để vui mừng.
Nhưng chúng tôi đã không vui. Chia tay với Hospice đồng nghĩa với việc chúng tôi mất đi những người giúp đỡ, những người như gia đình. Hơn 14 tháng trước, có vẻ như bố chồng 93 tuổi của tôi đã ở trong những ngày cuối đời. Hospice đã ở bên cạnh chúng tôi mỗi bước trong hành trình, bằng tình yêu, sự chăm sóc, an ủi, và hướng dẫn.
Được gửi về nghĩa là chúng tôi sẽ thiếu đi sự chú ý và cỗ vũ từ các bác sĩ, nhân viên xã hội và tình nguyện viên, những người thường xuyên viếng thăm bố. Họ đã quen thuộc với trường hợp của ông, nhưng không còn chăm sóc cho ông nữa. Người điều dưỡng với những lời nói bông đùa sẽ không còn tắm cho ông một tuần ba lần nữa. Đột nhiên, chúng tôi phải tự mình làm tất cả.
Các triệu chứng của bố cho Hospice thấy rằng ông đã ổn định. Ông không còn thích hợp để ở lại. Dù sao thì ông vẫn tiếp tục suy yếu. Khi chào tạm biệt đội ngũ của họ, chúng tôi phải đối mặt với những đòi hỏi lớn hơn trong khi chỉ có tôi và chồng.
Chúng tôi nhắc nhở mình tin cậy Chúa thay vì sự hiểu biết của chính mình. Nếu chúng tôi nhận biết Chúa, Ngài sẽ ở cùng và hướng dẫn chúng tôi như lời đã chép trong Châm Ngôn 3:5-6. Chúng tôi đã đọc nó mỗi ngày và trông cậy Ngài.
Gần như ngay lập tức, bố trở nên yếu hơn, và việc chăm sóc hàng ngày càng khó khăn. Tắm cho ông là một thách thức, nhưng những ngày đó trôi qua tương đối suôn sẻ.
Chúa đã cung ứng khi người anh trai ở tiểu bang khác đến giúp đỡ vài ngày. Một y tá trong hội thánh tình nguyện thỉnh thoảng ngồi lại với ông và giúp ông tắm. Tuy nhiên, gánh nặng chăm sóc và trách nhiệm hàng ngày còn lại là chồng và tôi.
Ban Quản Trị Cựu Chiến Binh đã hối thúc quá trình nộp đơn để đưa bố đi theo sự chăm sóc của họ, nhưng vẫn phải chờ bác sĩ đến đánh giá tình hình. Kế hoạch thăm khám bị trì hoãn vì những con đường băng giá. Trong khi chờ đợi, chúng tôi tự hỏi tương lai sẽ như thế nào.
Bố trở nên yếu hơn, không ổn định và phụ thuộc nhiều hơn. Những cơn ho của ông khiến chúng tôi thức giấc nửa đêm. Vì sự bất ổn và thiếu ngủ của ông, chúng tôi phải cảnh giác liên tục để ông được an toàn. Chúng tôi cần sự giúp đỡ.
Cuối cùng, bác sĩ đã đến. Ông ấy thân mật, nhẹ nhàng, và có vẻ giỏi. Chúng tôi đã trả lời các câu hỏi, cố gắng giúp ông hiểu tình hình của mình, và háo hức được nghe cách bộ cựu chiến binh có thể hỗ trợ. Thế nhưng, ông ấy đã không có câu trả lời đầy hy vọng. Ông nói mình mới ở vị trí đó và vẫn đang học xem phải tìm kiếm thông tin cần thiết ở đâu.
Chúng tôi đã gục ngã. Vẫn không có sự giúp đỡ. Vẫn không có câu trả lời.
Trong bữa ăn trưa, chồng tôi đã cầu nguyện: “Chúa ơi, xin giúp chúng con không trông đợi nơi con người cho những điều Ngài muốn chúng con nhận được từ Ngài”.
Một cảm giác mặc cảm tội lỗi. Tôi đã trông đợi con người – đúng hơn là từ một cơ quan chính phủ. Tôi đã không tin cậy Chúa với cả tấm lòng.
Sau bữa trưa, tôi đã suy gẫm loạt bài tĩnh nguyện của tác giả Sarah Young với đề tài Sự kêu gọi của Chúa Giê-xu. Bài tĩnh nguyện ngày 5 tháng 3 bắt đầu bằng câu: “Hãy làm bạn với những rắc rối trong cuộc sống bạn”. Câu Kinh Thánh quen thuộc trong bài nhắc nhở tôi rằng: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài”. (Rô-ma 8:28).
Vậy tại sao tôi lo lắng? Tại sao lại mất tinh thần chỉ vì thiếu những câu trả lời?
Áp lực cuộc sống nằm trong tay Đức Chúa Trời. Ngài có đầy năng quyền và khả năng. Ngài ở với tôi và sẽ không bao giờ từ bỏ tôi. Ngài đang làm việc trong tình huống đó, và trong tôi.
Hơn một tháng sau đó, bố tiếp tục yếu đi. Chúng tôi mệt mỏi và vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, đây là lúc để vui mừng, tạ ơn và chúc tụng.
Thật vậy, “Đức Chúa Trời tôi sẽ cung ứng mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Christ Jesus”. (Phi-líp 4:19)… nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin tha thứ cho chúng con vì đã luôn chạy trước Ngài. Chúng con nghĩ mình có thể đoán được “đây là người Chúa đem tới”, “kia là người Chúa mở đường” và chúng con đặt hy vọng vào con người hơn tin cậy Chúa. Xin giúp chúng con luôn nhớ rằng chỉ tin cậy Ngài, thì sự hy vọng của chúng con sẽ luôn được đặt trong bình an và vui mừng. Xin cho chúng con nhìn thấy tình yêu và ân điển Ngài tuôn đổ chứ không chỉ tập chú vào sự giải cứu. Trong danh Chúa Giê-xu, A-men!