Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 18/10 SỢ HÃI HAY KÍNH SỢ?


0
Categories : Devotions
https://static.oneway.vn/600x600/radio/2018/10/oneway.vn-tinh-nguyen-hang-ngay-1810-so-hai-hay-kinh-so-54.jpg

Chúng ta vì điều gì mà dừng lại trước tội lỗi? Là vì chúng ta sợ Chúa sẽ phạt mình, những điều tồi tệ sẽ xảy ra, mình sẽ bị nhiều tai họa? Hay là vì bạn không nỡ làm đau lòng Đấng đã hết lòng vì bạn mà yêu thương, hết lòng vì bạn mà hy sinh trên thập tự giá? Hãy tìm cho mình câu trả lời qua bài học hôm nay để bạn lựa chọn sự sợ hãi hay sự kính sợ!

“Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương.” (I Giăng 4:18)

Tôi rất thích khi Kinh Thánh phán ở Nê-hê-mi 8:10 rằng: “sự vui vẻ về Đức Giê-hô-va là sức mạnh của anh em.” Ở Ê-sai 9:5, Chúa Giê-xu được xưng là “Chúa bình an.” Còn ở I Giăng 4:8 chép rằng: “vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.” Giăng tiếp tục viết ở câu 18: “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương.” Nếu chúng ta đã dâng đời sống mình cho Chúa, đã nhận được sự hòa giải với Đức Chúa Trời qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-xu Christ, thì chúng ta không còn phải sợ hãi hình phạt của Chúa. Ngược lại, chúng ta có sự trông đợi được sống trong tình yêu của Đức Chúa Trời.

Song, vì lý do này, tôi thấy một câu chuyện hết sức thú vị trong Sáng Thế Ký 15. Đây là một đoạn Kinh Thánh đầy năng quyền kể về câu chuyện của Áp-ra-ham. Đoạn Kinh Thánh bắt đầu bằng lời phán của Chúa cho Áp-ram: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ! Ta là cái thuẫn cho con; phần thưởng của con sẽ rất lớn.” Một lần nữa, chúng ta thấy Chúa khích lệ chúng ta đừng sợ hãi. Trong đau buồn của mình, Áp-ra-ham đã tuôn đổ linh hồn mình để nhắc Chúa về lời hứa sẽ ban cho ông một người kế tự. Lời hứa chưa hoàn thành khi Áp-ra-ham và vợ mình là Sa-ra vẫn tiếp tục già đi.

Đức Chúa Trời lập lại lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, phán với ông rằng hậu tự của ông sẽ đông như sao trên trời. Sáng Thế Ký 15:6 chép: “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, nên Ngài kể ông là người công chính.” Đức tin đơn sơ của Áp-ra-ham nơi Chúa là điều mà Giăng muốn nói đến: chính mối liên hệ yêu thương tuyệt vời với Chúa là điều xua tan sợ hãi.

Chúa tiếp tục hướng dẫn Áp-ram chuẩn bị một của lễ. Đó là thời điểm giao ước lớn giữa Áp-ram và Đức Chúa Trời được chấp thuận. Chúa sẽ mãi mãi là Đức Chúa Trời của Áp-ram và hậu tự của ông. Trong lẽ đó, Áp-ram và hậu tự của ông sẽ mãi mãi là dân sự của Đức Chúa Trời.

Trong khoảnh khắc đầy năng quyền này, một điều thú vị đã xảy đến ở Sáng Thế Ký 15:12: “Khi mặt trời vừa lặn, Áp-ram chìm vào một giấc ngủ mê; và nầy, bóng tối mịt mùng, kinh hãi và dày đặc ập xuống trên ông.”

Chính Đức Chúa Trời đã xuất hiện để xác thực giao ước, và Ngài đem đến… sự kinh khiếp. Điều này nhắc tôi nhớ về lúc Ê-sai tiếp nhận sự kêu gọi ở Ê-sai 6:5. Đức Chúa Trời hằng sống yêu thương, vinh hiển và tuyệt vời xuất hiện, nhưng điều đầu tiên ra khỏi miệng Ê-sai đó là: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất!”. Chính Giăng là người đã viết rằng: “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương”. Nhưng khi ông gặp Đức Chúa Giê-xu trong Khải Huyền 1:17, ông đã thú nhận rằng mình đã ngã quỵ dưới chân Đức Chúa Giê-xu “như chết vậy.” Đức Chúa Giê-xu đã làm gì sau đó? Ngài đến với người được gọi là “người được Chúa yêu”. Ngài chạm đến vai ông và phán: “Đừng sợ.”

Vậy chúng ta sẽ đáp ứng thể nào? Chắc chắn, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta “sợ hãi” Ngài. Ngài không muốn chúng ta thu mình lại như thể Ngài sẽ nghiền nát chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được khinh thường Chúa. Ngài đầy năng quyền. Ngài là toàn năng. Những ngôi sao rơi xuống từ ngón tay Ngài. Ngài tạo dựng nên thế gian chỉ bằng lời phán. Duy Ngài cầm giữ mọi sự sống trong tay. Chúng ta không thể xem điều đó là bình thường. Chúng ta sẽ phản ứng bình thản hơn ba nhân vật trên khi Ngài hiện đến sao? Ở trong Chúa, chúng ta không sợ hãi Chúa vì hình phạt của Ngài nữa. Nhưng kính sợ Ngài, đó là một nỗi sợ tốt và cần thiết. Tôi mong muốn mình có nỗi sợ đó, và tất cả những gì mà sự kính sợ Chúa đem đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mắt chúng con chưa từng được hình thấy năng lực lớn lao của Ngài hiển hiện như các thánh đời xưa, và lòng chúng con cũng biết sẽ rất kinh hãi nếu nhìn thấy sự vĩ đại Ngài. Nhưng xin Chúa giúp chúng con không phải vì sợ hãi oai nghi của Ngài mà sấp mình xuống, nhưng xin Ngài ban cho chúng con tấm lòng kính sợ Đấng cao cả của chúng con, vì biết cho dù Ngài quyền uy trên cõi vũ trụ bao nhiêu, nhưng Ngài vẫn là Đấng dịu dàng với mỗi một chúng con. Xin giữ lòng kính sợ của chúng con trước mặt Ngài để chúng con dấn thân khi Ngài kêu gọi, tin cậy khi đang chờ đợi lời hứa của Ngài cách chắc chắn. Trong danh Chúa Giê-xu Christ, Amen!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *