Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 15/12 GIÁNG SINH, MÙA CỦA SỰ BAN CHO
Giáng sinh được biết đến như là mùa của sự ban cho. Bạn có biết vì sao nó lại được gọi như vậy? Tại sao người ta ban cho, giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đang cần được giúp đỡ?
“Nhưng con là ai và dân tộc con là gì mà chúng con có sức dâng hiến như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến, và những vật chúng con đã dâng lên Chúa chẳng qua là đã thuộc về Ngài.” (I Sử Ký 29:14)
“Anh đang cần gì?” chồng tôi hỏi Bob. Bob là giám đốc một bếp ăn từ thiện hoạt động trong những kỳ lễ hằng năm. Họ đã vô tình gặp nhau trước đó trong một dịp nào đấy.
Một nụ cười nở rộng trên gương mặt Bob như thay cho câu trả lời rằng: “Không gì cả.”
Sau đó, Bob kể rằng đội ngũ bếp ăn từ thiện của anh đã phải đối diện với một khó khăn vào tuần trước đó. Những năm qua, một doanh nghiệp địa phương đã quyên góp gà tây với tổng trị giá 2.000 đô la vào mỗi mùa Giáng Sinh cho hoạt động của bếp ăn từ thiện. Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp ấy đã không còn hoạt động nữa.
Vì thế, không còn ai đóng góp gà tây nữa.
Có một số người đã đóng góp một ít cho nhu cầu đang thiếu hụt này nhưng cũng chẳng đủ. Giáng sinh lại đang đến cận kề.
Điện thoại của Bob bỗng đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, một ông chủ cửa hàng thực phẩm nói trong hốt hoảng.Ông nói rằng ai đó đã vô tình đông đá hàng tá số gà tây được dán nhãn “thực phẩm tươi”. Vì thế cửa hàng của ông không thể bán được chúng nữa.
Bob nhanh nhảu hỏi: “Thế khi nào anh muốn chúng tôi đến lấy số gà tây đó?”
Thế là Giáng Sinh năm đó, bếp ăn từ thiện của Bob đã có dồi dào nguồn thực phẩm để phục vụ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Mùa Giáng Sinh luôn tràn đầy các câu chuyện về những sự việc tốt lành như thế. Ai đó đã vô tình đông đá hàng tá số gà tây đó. Nhưng chính Đức Chúa Trời đã cố tình chu cấp nhiều gà tây đến thế, đủ cho nhu cầu của những người đến với bếp ăn từ thiện.
Thi Thiên 102:17 chép: “Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của kẻ khốn cùng, Không khinh dễ lời nài xin của họ.”
Trong các phép màu đang diễn ra, sự việc trên có thể chỉ là nhỏ thôi. Tuy nhiên, đôi khi những phép màu nhỏ lại đem đến sự khích lệ lớn. Và thật sự có rất nhiều phép màu nhỏ đã và đang diễn ra quanh tôi.
Bạn của tôi đứng trên lề đường rung chiếc chuông kế bên cái ấm nước màu đỏ được dùng để chứa tiền quyên góp cho công việc thiện nguyện mà cô đang thực hiện. Cô cảm kích khi những khách qua đường đã thật hào phóng bỏ tiền quyên góp vào chiếc ấm nước và còn tặng cho cô cả sô-cô-la.
Trên mạng xã hội, tôi đã đọc được câu chuyện này. Một người mẹ tuy nghèo nhưng vẫn cố gắng dắt mấy đứa con thiệt thòi của mình đến dùng bữa trưa tại một nhà hàng. Một người khách tại đó đã vui vẻ trả tiền cho bữa ăn của gia đình cô.
Trong một cửa hàng đông đúc, hai người đàn ông tranh luận để nhường cho nhau lượt mua hàng trước.
Tôi và chồng đang đứng xếp hàng tại bưu điện chờ để gửi một số bưu phẩm. Có một người tốt bụng nọ cũng đang chờ đợi. Anh đã vui lòng giúp tôi đóng gói số bưu phẩm đó. Chồng tôi thì tiếp tục đứng giữ chỗ trong hàng cho chúng tôi. Mọi thứ đã thật vui và không khó khăn như chúng tôi nghĩ.
Có thể một số người sẽ nói rằng những việc trên không phải là phép màu thật sự. Bởi vì trong mỗi câu chuyện này không có yếu tố nào bất thường và kỳ diệu.
Mặc dù vậy, những câu chuyện trên đều thể hiện sự quan tâm, yêu thương nhau của những người lân cận. Những con người trong các sự việc trên đã mở lòng ra để giúp đỡ người khác.
Hình ảnh của Đức Chúa Trời được phản chiếu qua từng hành động tốt lành nhỏ nhặt như thế. Những phép màu nhỏ nhưng tuyệt vời này đem lại niềm hy vọng cho những ai thiếu thốn, cho một lữ khách mệt nhọc hoặc cho một người mẹ bận rộn.
Có lẽ những người đến với bếp ăn từ thiện đều không nhận ra phép màu đã xảy đến với những con gà tây. Nhưng chúng ta biết rằng những phần ăn đó, giống như ma-na, được ban cho từ Ơn Trên.
Chúng ta đang ở thời điểm giữa mùa của sự ban cho, là lúc mà chúng ta kỷ niệm Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta chính Ngài. Chúng ta có thể ban cho người khác cái gọi là phép màu bằng tình yêu thương và trở thành ảnh tượng của Chúa đối với người khác.
Như I Sử Ký 29:14 có chép: “Nhưng con là ai và dân tộc con là gì mà chúng con có sức dâng hiến như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến, và những vật chúng con đã dâng lên Chúa chẳng qua là đã thuộc về Ngài.”
Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa Giê-xu vì Ngài đã ban chính Ngài cho nhân loại, cho chúng con. Xin giúp chúng con cũng có thể ban cho điều chúng con đã nhận lãnh từ nơi Ngài đến với những người còn đang thiếu thốn, đau khổ…Để qua đó, chúng con có thể bày tỏ tình yêu của Ngài trong mùa Giáng sinh, mùa của sự ban cho này. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu, A-men