Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 28/12 NGHỈ NGƠI HAY TRỐN CHẠY?
Trước những bận rộn và áp lực của cuộc sống, bạn muốn tìm cách quên đi những mệt mỏi, căng thẳng bằng những hoạt động giải trí. Nhưng liệu bạn có kinh nghiệm sự nghỉ ngơi thật sự sau tất cả những hoạt động ấy? Làm thế nào để được hồi phục thân thể và cả đời sống tâm linh nữa?
“Cuối cùng, thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến”. (Phi-líp 4:8)
Một lần nọ, tôi trò chuyện về việc nghỉ ngơi với một người Do Thái tin Chúa. Anh ta nói rằng sự nghỉ ngơi sẽ đưa ta đến gần Chúa hơn. Vì thế anh ta dành trọn vẹn thời gian cuối tuần cho Chúa.
Cuộc đời tôi sẽ thay đổi rất nhiều nếu dành ra 24 tiếng mỗi tuần để nghỉ ngơi và kết nối với Chúa Giê-xu. Tôi nghĩ lại về cách tôi thường thư giãn sau những xô bồ của cuộc sống. Thay vì có những hoạt động thư giãn kéo tôi gần Chúa hơn, tôi thường chọn cách trốn chạy. Sau một thời gian căng thẳng chuẩn bị cho ngày lễ, thật dễ để tôi thuyết phục bản thân nuông chiều theo thân thể của mình. Chúng ta tất bật nấu nướng, gói quà, trang trí và dự tiệc. Chúng ta không xứng đáng được nghỉ ngơi sao? Chúa muốn chúng ta được nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng đã có quá nhiều lần tôi bị cuốn vào những việc không giúp mình phục hồi sức khỏe, phục hồi tâm linh và gần gũi với Ngài. Coi một bộ phim hay ăn vài ly kem sẽ không giúp tâm trí và cơ thể tôi khỏe mạnh hơn thật sự.
Vì vậy sau những ngày nghỉ, chúng ta thường hỏi chính mình: Nghỉ ngơi như thế nào mới giúp chúng ta gần Chúa hơn và phục hồi tâm linh? Câu trả lời với tôi như thế này.
Khi tôi hao hụt sức lực, tôi dễ bực bội và nóng tính. Tôi dễ bị cám dỗ khi mệt mỏi. Ngủ sâu và đủ giấc giúp tôi gần Chúa hơn, khiến tôi tỉnh táo, dễ chịu hơn.
Đi bộ trong công viên hay những nơi hòa mình với thiên nhiên sẽ nhắc tôi nhận biết rằng Chúa thật gần. Bởi vì tôi được thở không khí trong lành và ngắm nhìn tạo vật của Ngài. Việc này có thể khó thực hiện tùy vào điều kiện thời tiết hay thay đổi thất thường. Tuy nhiên chỉ cần 10 phút ngoài trời cũng có thể làm nên những điều kỳ diệu cho tâm hồn.
Đọc sách cũng là một cách của tôi. Có thể là Kinh Thánh, một cuốn tiểu thuyết, hay cuốn cẩm nang về hôn nhân, gia đình.
Không phải ai cũng hứng thú trong việc tuôn đổ lòng mình lên những trang giấy, nhưng viết nhật ký là một cách để phản ánh lại những cảm xúc, mối quan tâm. Việc này còn giúp tôi ôn lại những gì Chúa đã dạy mình.
Danh sách công việc yêu thích của bạn có thể hoàn toàn khác. Dọn dẹp nhà cửa, tụ họp với bạn bè, gia đình, hay chơi một trò chơi lành mạnh cũng có thể giúp bạn thư giãn. Dành thời gian cho những hoạt động để tự nhìn lại chính mình. Đây là chìa khóa để chúng ta học cách nghỉ ngơi trong sự kết nối với Chúa. Điều này tốt hơn là nghĩ ra một cách trốn chạy tạm thời khỏi cuộc sống. Ta hãy suy nghĩ về lời Chúa ở Phi-líp 4:8: “Cuối cùng, thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến”.
Hãy tự hỏi liệu sự nghỉ ngơi mà chúng ta đang hướng đến có giúp mình tập trung vào những điều chân thật, đáng tôn, công bình, thánh sạch, đáng yêu chuộng và đáng khen ngợi hay không.
Những hoạt động giải trí sang trọng và các món ngon vật lạ có thể thỏa mãn chúng ta ban đầu. Tuy nhiên, cuối cùng thì những điều đó sẽ không để lại cho chúng ta sự kết nối cần thiết với Chúa. Dù bạn không thể dành ra 24 tiếng để nghỉ ngơi mỗi tuần thì cũng nên dành ra thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con học cách nghỉ ngơi thay vì chỉ trốn tránh những căng thẳng, áp lực của cuộc sống này. Chúng con muốn dâng cho Ngài thời gian nghỉ ngơi của chúng con. Xin giúp chúng con tập trung vào chính Ngài vì chỉ có Ngài mới là nguồn an nghỉ thực sự cho chúng con. Trong Danh Chúa Giê-xu. A-men!