Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 24/11: Truyền Thống Lễ Tạ Ơn
Lễ Tạ ơn ngày nay đã dẫn trở nên quen thuộc với nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những người Cơ Đốc. Vậy khi nhắc đến Lễ Tạ ơn, bạn nghĩ đến điều gì? Một bàn ăn đầy gà tây, nước xốt và bánh bí ngô? Gia đình gần xa tụ họp? Vô số món hàng khuyến mãi sau lễ? Phải, tất cả những điều đó đều hấp dẫn! Nhưng còn trọng tâm của ngày lễ này – “lòng biết ơn” – thì liệu có ai nhớ đến không?
Hôm nay, ngày 24/11/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Kay Camenisch qua chủ đề TRUYỀN THỐNG LỄ TẠ ƠN.
—
Tĩnh Nguyện Hằng Ngày 24/11: Truyền Thống Lễ Tạ Ơn
Link nghe: https://youtu.be/44NModIfEG8
—
“Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)
Có nhiều truyền thống làm cho Lễ Tạ ơn tại nước Mỹ trở nên đặc biệt và đáng nhớ. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét tiến trình lịch sử của ngày lễ này. Năm 1621, Thống đốc Bradford đã công bố một ngày để tạ ơn vì mùa màng tươi tốt, và mời một bộ lạc da đỏ tham dự cùng những người định cư để tổ chức tiệc tùng và vui chơi kéo dài ba ngày.
Lễ Tạ ơn thứ hai của người Mỹ được ghi lại vào năm 1623, thực tế là thời gian để cầu nguyện và kiêng ăn. Những người định cư dành một ngày để cầu nguyện và kiêng ăn vì họ rất cần mưa xuống. Trong khi đang cầu nguyện, một cơn mưa nhẹ nhàng bắt đầu rơi. Thời gian cầu nguyện đột nhiên biến thành thì giờ cảm tạ. Đó là lý do ngày nay, một số người giữ Lễ Tạ ơn bằng cách cầu nguyện và kiêng ăn, vì nó cũng là một phần lịch sử của ngày lễ này.
Mặc dù các thuộc địa có tổ chức lễ hội thu hoạch, nhưng phải đến năm 1777, tất cả 13 thuộc địa mới tổ chức lễ này cùng một lúc. Năm 1789, George Washington là tổng thống đầu tiên công bố Ngày Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, ngày này chưa được xem là ngày lễ hằng năm của người Mỹ.
Cuối cùng, vào năm 1863, Abraham Lincoln đã ban hành một sắc lệnh, công bố ngày Lễ Tạ ơn cách chính thức. Ông nghĩ rằng ngày này có thể giúp đoàn kết một quốc gia bị chia rẽ. Kể từ đó, Lễ Tạ ơn đã được mọi tổng thống công nhận là một ngày quốc lễ của nước Mỹ.
Cách đây không lâu, có hai bài báo khiến tôi phải suy nghĩ về ngày lễ đặc biệt này. Cả hai bài đều nói về chứng trầm cảm. Vâng, trầm cảm – điều này nghe thì có vẻ không liên quan lắm.
Một bài báo đề xuất một cách để chống lại bệnh trầm cảm, là mỗi sáng hãy viết vào sổ tay 5 điều bạn biết ơn – chỉ 5 điều, mỗi buổi sáng. Rõ ràng, bày tỏ lòng biết ơn sẽ giúp thay đổi tư duy của bạn, từ tâm trạng chán nản sang cái nhìn tích cực và đầy hy vọng về cuộc sống.
Một bài báo khác gợi ý rằng trong suốt cả ngày, nếu bạn cảm thấy chán nản, hãy dừng lại và nghĩ về 3 điều mà bạn biết ơn. Thật khó để tiếp tục buồn bã hoặc chán nản trong khi đang cảm thấy biết ơn. Khi bạn tập trung vào những điều tích cực – những điều bạn biết ơn – thì cảm giác buồn bã sẽ bị đẩy lùi.
Tôi thường bận rộn với cuộc sống đến nỗi quên mất biết ơn là gì. Sau khi đọc những bài báo đó, tôi nhận ra rằng thật tốt khi chúng ta kỷ niệm Lễ Tạ ơn, vì nhờ đó chúng ta được nhắc nhở để sống biết ơn.
Nhưng sau đó tôi tự hỏi, liệu chúng ta có quá bận rộn với truyền thống đến nỗi đôi khi quên “tạ ơn” vào ngày Lễ Tạ ơn hay không. Khi tôi hỏi bạn nghĩ gì khi nhắc đến Lễ Tạ ơn, liệu có ai nghĩ đến việc tạ ơn không?
Không có ngày lễ nào khác mang một cái tên chỉ rõ ý nghĩa của chính nó đến vậy – Lễ “Tạ ơn” – nhưng chúng ta lại xem đó chỉ là một danh từ, một cái tên, một ngày lễ – chứ không phải một hành động. Sẽ ra sao nếu chúng ta hành động đúng như tên của ngày lễ này? Sẽ ra sao nếu chúng ta mừng lễ tạ ơn bằng cách thực sự tạ ơn?
Ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, vẫn có những điều chúng ta có thể tạ ơn. Khi rời mắt khỏi những điều tiêu cực và tập trung vào điều tích cực, tinh thần của chúng ta sẽ được khích lệ và mọi khó khăn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi chúng ta bước tới và cảm ơn những người xung quanh vì những điều tốt đẹp mà họ đã làm, điều đó sẽ khuyến khích và làm cho cuộc sống họ trở nên dễ dàng hơn, tươi sáng hơn.
Thậm chí, tôi đã chứng kiến các mối quan hệ được hàn gắn khi mọi người nói lời cảm ơn với nhau. Tôi không biết liệu ngày lễ này có mang lại sự thống nhất giữa miền Bắc và miền Nam nước Mỹ trong thời Lincoln hay không, nhưng lòng biết ơn có thể mang lại sự hiệp nhất giữa các cá nhân, trong gia đình và hội nhóm – bất cứ nơi nào mọi người gặp gỡ.
Khi nói về Lễ Tạ ơn, đầu tiên tôi sẽ nghĩ đến gia đình vì đó là ngày sum vầy. Tiếp theo, tôi nghĩ đến gà tây, nước sốt, bánh nướng và quà cáp. Tôi rất thích ăn mừng Lễ Tạ ơn.
Tuy nhiên, ngoại trừ những kỷ niệm đẹp và việc tăng thêm vài cân, mọi thứ sẽ sớm đi vào quên lãng. Ngược lại, nếu chúng ta mừng Lễ Tạ ơn với thái độ biết ơn, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực và mang đến ích lợi lâu dài – trong cuộc sống của người khác cũng như bản thân chúng ta. Theo cách nói của George Washington, Lễ Tạ ơn là “một ngày để tạ ơn và cầu nguyện công khai, một ngày được kỷ niệm với tấm lòng biết ơn và ghi khắc ân điển của Đức Chúa Trời Toàn năng”. Sẽ ra sao nếu chúng ta giữ đúng truyền thống này?
“Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).
Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa vì dịp Lễ Tạ ơn nhắc nhở chúng con về vô vàn phước hạnh mà Ngài đã ban cho mỗi một chúng con. Xin giúp con luôn khắc ghi ơn Ngài, biết đếm ơn Chúa và báo đáp ơn Ngài bằng cả cuộc đời mình. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.
Quý thính giả thân mến, hãy tận dụng cơ hội về ngày Lễ Tạ ơn này để tạ ơn Chúa và nói lời cảm ơn mọi người vì tất cả những ơn phước mà chúng ta đã nhận được trong cả một năm qua. Chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy ơn phước Chúa tuôn đổ láng lai trên cuộc đời bạn.